PHIÊN HỌP THỨ 17 ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Bội chi thấp: Nhờ tăng thu ngân sách

Sáng 10-4, Ủy ban Thường vụ QH đã nghe báo cáo quyết toán ngân sách năm 2011 và thảo luận một số vấn đề còn tồn đọng. Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh báo cáo, tổng thu ngân sách năm 2011 đạt trên 962.980 tỉ đồng; tổng chi ngân sách trên 1.034.240 tỉ đồng; bội chi ngân sách đạt hơn 112.030 tỉ đồng, bằng 4,4% GDP, còn thấp hơn mức QH cho phép (5,3% GDP). Riêng nợ công tăng khá cao (24,8%), tính đến 31-12-2011 nợ công đã lên gần 55% GDP (GDP năm 2011 là 2.535.008 tỉ đồng).

Y tế, giáo dục “không xài hết tiền”

Chủ trương của Đảng và nghị quyết của QH xác định ưu tiên phát triển giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ nhưng chi ngân sách năm 2011 cho các lĩnh vực này lại không đạt dự toán được giao. Cụ thể, chi giáo dục đào tạo và dạy nghề đạt khoảng 90% dự toán; chi sự nghiệp y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình đạt 89% dự toán; chi sự nghiệp khoa học công nghệ đạt 89% dự toán.

Đại biểu Trương Thị Mai góp ý, việc bội chi ngân sách giảm so với dự toán cũng chưa thể vội mừng. Bởi lẽ những khoản dự toán chi cho giáo dục, y tế, khoa học công nghệ còn tồn đọng nhiều, “có tiền mà xài không hết” trong khi các ngành này còn không ít khó khăn. Nguyên nhân một phần do địa phương, ngành chưa tiếp cận được chính sách nên tiền bố trí rồi mà không sử dụng hết.

Chi quản lý hành chính, Đảng, đoàn thể tăng cao

Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng cũng phân tích những bất cập trong chi đầu tư như: nhiều chương trình mục tiêu, dự án quốc gia trùng mục tiêu thực hiện trên cùng một địa bàn dẫn tới đầu tư dàn trải, khó quản lý, không bám sát thực tế, hỗ trợ không đúng đối tượng, định mức, không đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ… Một đáng ngại khác là khoản chi thường xuyên cho bộ máy tăng cao. Có 23/28 tỉnh, thành phố được kiểm toán đã chi vượt dự toán, trong đó 13/28 địa phương chi quản lý hành chính, Đảng, đoàn thể vượt dự toán trên 30%, thậm chí còn sử dụng trên 380 tỉ đồng từ nguồn tăng thu, nguồn thu tiền sử dụng đất, dự phòng… để chi thường xuyên sai quy định.

Giá cả tăng, thu ngân sách tăng làm bội chi giảm

Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH phân tích: Việc kiềm chế bội chi ngân sách ở mức thấp phần lớn nhờ tăng thu ngân sách. Trong đó, cơ bản là thuế giá trị gia tăng thu được tăng. Vì vậy, giảm bội chi ngân sách so với dự toán là tích cực nhưng còn những vấn đề đáng lo. Ông Hiển đề nghị Chính phủ phải tăng cường quản lý nợ công.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy việc Chính phủ cấp bảo lãnh cho các đối tượng vay vốn nước ngoài chưa đúng quy định, một số dự án được cấp bảo lãnh nộp phí bảo lãnh chậm, chưa đầy đủ. Thậm chí một số dự án có khả năng hoàn trả vốn vay kém nhưng vẫn được cấp bảo lãnh, dẫn đến việc phải ứng trả nợ thay cho các dự án tiếp tục gia tăng. Trong bối cảnh chính sách tài khóa tiết kiệm, cắt giảm đầu tư công nhưng tổng chi ngân sách vẫn tăng lớn (61.954 tỉ đồng, vượt 8,5% so với dự toán), chủ yếu là do tăng chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, số dự án triển khai dở dang, chậm tiến độ khá nhiều gây lãng phí.

BÌNH MINH  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm