Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm sai luật!

Trên các số báo vừa qua, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh sự khác biệt giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), UBND TP.HCM trong việc hướng dẫn các giao dịch nhà, đất có “giấy trắng”. Chỉ với khoản 2 Điều 66 Nghị định 84 ngày 25-5-2007 của Chính phủ về hiệu lực “giấy trắng” nhưng hai cơ quan này lại hướng dẫn khác nhau, gây khó khăn cho việc thực hiện.

Làm việc với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp), nói: Hoan nghênh Pháp Luật TP.HCM đã phát hiện, viết bài về chuyên đề này. Đó là những thông tin quan trọng giúp các cơ quan có thẩm quyền thực hiện đúng chức năng của mình sao cho đúng pháp luật, đáp ứng việc quản lý xã hội và nhu cầu của người dân.

Bộ TN&MT phải thu hồi công văn đã ký

. Ông có thể lý giải tại sao cùng một điều luật mà có hai cách hiểu khác nhau về thời hạn được giao dịch của “giấy trắng”?

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm sai luật! ảnh 1+ Theo tôi, nguyên nhân nằm ở chính nội dung của điều luật. Do khoản 2 Điều 66 viết không rõ nên mới có các cách hiểu không thống nhất như trên.

Theo Bộ TN&MT, có hai đối tượng chưa có “giấy đỏ” được giao dịch sau ngày 1-1-2008. Thứ nhất là người sử dụng đất đã nộp hồ sơ xin cấp “giấy đỏ” trước ngày 1-11-2007 (gồm người có “giấy trắng” và người không có “giấy trắng” nhưng đủ điều kiện cấp giấy). Thứ hai là người sử dụng đất có các loại “giấy trắng” theo khoản 1, 2, 5 Điều 50 Luật Đất đai nhưng chưa nộp hồ sơ xin cấp giấy. Trong khi đó, UBND TP.HCM lại cho rằng người sử dụng đất phải hội đủ hai điều kiện (nộp hồ sơ trước 1-11-2007, đồng thời có một trong các loại “giấy trắng”) mới được phép giao dịch.

. Trong Công văn 12 ngày 2-1-2008, Bộ TN&MT cho phép “giấy trắng” được giao dịch đến hết năm 2010. Điều này có đúng thẩm quyền hay không, thưa ông?

+ Phải nói ngay với nội dung này, Bộ TN&MT đã hướng dẫn sai thẩm quyền và sai với tinh thần của Nghị quyết 07 của Quốc hội. Quy định “người sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1, 2, 5 Điều 50 Luật Đất đai thì được thực hiện các giao dịch quyền sử dụng đất chậm nhất đến hết ngày 31-12-2010” là nội dung quy phạm pháp luật, không được đưa vào công văn. Mặt khác, quy định “được giao dịch chậm nhất đến hết ngày 31-12-2010” không phù hợp với nội dung Nghị quyết 07 bởi nghị quyết này chỉ nói “đến năm 2010 cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận”. Cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứ không phải đã chốt lại như Công văn 12 đã nêu.

. Sai trái trên phải được xử lý như thế nào?

+ Ngay trong ngày thứ Hai 14-1 (hôm nay), chúng tôi sẽ ký văn bản gửi Bộ TN&MT phân tích những điểm không phù hợp luật định của Công văn 12. Chúng tôi sẽ đề nghị Bộ TN&MT thu hồi công văn này và có hướng dẫn khác cho phù hợp hơn về thẩm quyền và nội dung. Đáng lưu ý, không thể chấp nhận được việc “giấy trắng” chỉ được giao dịch đến hết 31-12-2010.

UBND TP.HCM cũng phải hướng dẫn lại

. Ông đánh giá thế nào về nội dung hướng dẫn của UBND TP.HCM?

+ Hiểu theo cách của UBND TP.HCM sẽ loại trừ hai trường hợp. Một là những trường hợp tuy đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận nhưng không có “giấy trắng” theo khoản 1, 2, 5 Điều 50. Hai là những trường hợp tuy có một trong các loại giấy tờ này nhưng chưa nộp hồ sơ. Với Công văn 9261 ngày 31-12-2007, UBND TP.HCM đã bó hẹp những đối tượng được giao dịch. Điều này không đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội cũng như yêu cầu an dân, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người mà do những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau chưa được cấp giấy chứng nhận. Cá nhân tôi thiên về cách hiểu của Bộ TN&MT vì tạo điều kiện tốt hơn cho người dân.

. UBND TP.HCM cũng phải điều chỉnh lại hướng dẫn của mình?

+ Cũng trong ngày 14-1, chúng tôi sẽ gửi văn bản đề nghị Sở Tư pháp TP.HCM tham mưu cho UBND TP.HCM ban hành hướng dẫn mới theo hướng mở ra hơn.

. Cuối cùng, phải giải quyết “lấn cấn” giữa Bộ TN&MT và UBND TP.HCM bằng cách nào, thưa ông?

+ Trong văn bản gửi Bộ TN&MT và UBND TP.HCM, chúng tôi sẽ đề nghị hai bên phải khẩn trương ngồi lại với nhau để bàn bạc, tham mưu, đề nghị lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có cách giải thích thống nhất. Vì thẩm quyền quyết định vấn đề này - đúng như quan điểm của Pháp Luật TP.HCM là Chính phủ hoặc Thủ tướng chứ không thể là Bộ TN&MT hay UBND TP.HCM.

. Xin cảm ơn ông!

Trước ngày 22-12-2007, với cách hiểu “sau ngày 1-1-2008, “giấy trắng” sẽ không được giao dịch”, Báo Pháp Luật TP.HCM đã có nhiều bài viết phân tích, đề nghị Chính phủ (Bộ TN&MT) kéo dài thời hạn có hiệu lực của loại giấy này.

Trên số báo ngày 24-12, Báo Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Giá trị của “giấy trắng” sau ngày 1-1-2008: Bộ nói còn, thành phố nói không”.

Ngày 5-1, Báo Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Cho “giấy trắng” được giao dịch: Bộ và thành phố hướng dẫn hay điều chỉnh luật?” phản ánh nội dung Công văn 12 của Bộ TN&MT.

Trên số báo ngày 10-1, Báo khẳng định cơ quan duy nhất có quyền quyết định vấn đề này là Chính phủ.

HOA NGUYỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm