Biển Đông: Tránh lọt vào vòng xoáy các siêu cường

Bên hành lang Quốc hội (QH) ngày 2-6, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Trần Văn Hằng đã có cuộc trao đổi với báo chí liên quan đến “bàn cờ” biển Đông hiện nay.

QH có xem xét ra nghị quyết biển Đông?

. Phóng viên: Thưa ông, cuối tuần này, QH sẽ nghe Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông. Khả năng QH có ra nghị quyết riêng như ý kiến một số đại biểu không?

+ Ông Trần Văn Hằng: Chương trình kỳ họp này ban đầu không dự kiến nội dung biển Đông. Nhưng sau thấy tình hình phức tạp thì bổ sung thêm thời gian để Chính phủ báo cáo, để các đại biểu, cử tri hiểu được tình hình. Còn nếu có sự kiện gì nữa, cần thiết QH phải ra nghị quyết thì cứ theo quy trình luật định mà làm.

. Có ý kiến cho rằng việc Trung Quốc cơi nới và có thể đẩy mạnh quân sự hóa các bãi đá mà họ đã chiếm đóng trái phép ở Trường Sa là nghiêm trọng hơn cả vụ giàn khoan Hải Dương 981. Do đó cho rằng QH nên có phản ứng tương xứng, ý kiến ông thế nào?

+ Vụ giàn khoan Hải Dương 981 là giàn khoan của họ vào hẳn lãnh thổ của mình - lãnh thổ trên biển. Còn việc cơi nới đảo hiện nay thì phải đánh giá trên cơ sở Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Theo DOC, các bên chiếm đóng ở đâu thì ở nguyên đó và giữ nguyên hiện trạng. Họ đang chiếm giữ bảy điểm đảo, giờ cơi nới lớn thì là vi phạm thỏa thuận về giữ nguyên hiện trạng. Ta phản ứng là ở việc đó.

Còn nếu họ chiếm đóng thêm, nhảy sang cái mới thì dứt khoát mình sẽ phản ứng mạnh hơn và thế giới cũng không để yên. Hai việc khác nhau như thế nên mức độ phản ứng cũng khác nhau.

Ông Trần Văn Hằng đang trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 2-6. Ảnh: NGHĨA NHÂN

Tránh lọt giữa “hai làn đạn”

. Tại Diễn đàn Shangri-la vừa rồi, thứ trưởng ngoại giao Nga lên án Mỹ làm phức tạp tình hình biển Đông và đồng thời có tin năm tới Nga sẽ tập trận ở biển Đông, có thể với Trung Quốc. Nên nhìn nhận vấn đề này thế nào, liệu Việt Nam có rơi vào thế kẹt không?

+ Vị thế của Nga giờ như thế thì họ phải xoay trục thôi. Mỹ, EU cấm vận, gây khó khăn thì bắt buộc Nga phải hướng về phía Nam. Mà phía này Trung Quốc thường thể hiện thái độ phù hợp với Nga nên họ đi với nhau. Họ đã tập trận chung nhiều nơi rồi, giờ có ở biển Đông nữa thì cũng nên xem là bình thường.

. Liệu vì quan hệ với Trung Quốc mà họ bỏ Việt Nam?

+ Không. Nga với mình là quan hệ bền vững, đã qua nhiều thử thách rồi. Hai nước đã có nhiều thỏa thuận, cam kết và về phía họ thực hiện rất nghiêm túc. Họ là nước lớn, có quan hệ tốt với ai đi nữa thì vẫn mong giữ vững quan hệ với ta. Trong thực tế là như thế nên mình rất tin tưởng.

. Thăm chính thức Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết họ mong muốn ta cùng hợp tác, sớm thảo luận sâu hơn với họ trong vấn đề biển Đông. Ông đánh giá thế nào?

+ Vấn đề biển Đông không đơn giản chỉ giữa các nước trong vùng với Trung Quốc mà còn là cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường (Mỹ - Trung). Mình phải nghiên cứu thật kỹ, tránh để lọt giữa hai “làn đạn”. Mỹ có nêu vấn đề thì trước hết cũng là vì lợi ích của họ.

Quan điểm của tôi là các vấn đề quốc tế phải được giải quyết trên phương diện đa phương. Không có anh nào đứng một mình, hay kể cả cặp đôi với nhau mà tồn tại, phát triển bền vững cả. Tất cả phải đứng trên lợi ích chung.

Chủ quyền là trên hết

. Ngoài Mỹ, Trung thì Nga cũng đang bộc lộ ý đồ muốn tham gia vào vấn đề biển Đông. Vậy nên nhìn nhận như thế nào để Việt Nam khỏi lọt vào giữa “hai làn đạn”, như ông nói?

+ Trung Quốc vẫn khẳng định rằng quan hệ Trung-Mỹ là quan trọng số một. Lợi ích kinh tế trực tiếp của họ là chỗ đó, dù có một vài bất đồng thì cố thu hẹp đi. Còn có tăng cường quan hệ với Nga thì chẳng qua đôi bên tìm hướng tập hợp lực lượng thôi. Vậy nên ta cần hết sức tỉnh táo, khỏi rơi vào vòng xoáy mà các siêu cường tạo ra.

. Trung Quốc, Mỹ, Nga và nhiều nước lớn khác đều tuyên bố có lợi ích ở biển Đông. Vậy theo ông, Việt Nam nên nhìn nhận vấn đề đó thế nào?

+ Đã ở vùng biển quốc tế thì quyền lợi bình đẳng, không có chuyện nước to thì quyền nhiều, nước nhỏ quyền ít. Còn việc nào xâm phạm đến chủ quyền của mình thì mình phải bảo vệ. Không thể vì tôn trọng lợi ích của ai đó, vì muốn chơi thân với ai đó mà để họ nhảy vào chủ quyền của mình.

. Xin cám ơn ông.

. Phóng viên: Công cụ thiết yếu của an ninh khu vực là Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) thì đến nay đã đạt đâu?

+ COC thì đáng lý ra đã đến giai đoạn chín muồi rồi. Nội dung COC, theo tôi biết, đã chuẩn bị kha khá, nếu bình ổn cả, vài cuộc đối thoại nữa thì chắc cũng tới đồng thuận. Nhưng tình hình thế giới hơn một năm qua xoay chuyển phức tạp nhanh quá nên giờ phút này các bên chưa đi đến kết thúc. Phía ASEAN thì cố gắng nhưng đối tác kia thì bảo chưa đến lúc.

ASEAN-Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược nhưng cá nhân tôi cảm giác Trung Quốc chưa mặn mà. Bản thân trong khối chúng ta, các nước cũng chưa thực sự đồng thuận cao. Hội nghị cấp cao ASEAN vừa rồi, một vài nước không nói gì tới vấn đề biển Đông.

Theo lộ trình, cuối năm nay là hình thành cộng đồng ASEAN, dựa trên ba trụ cột: an ninh-chính trị, kinh tế, văn hóa. Không đạt được COC thì cộng đồng ASEAN vẫn ra đời nhưng chưa trọn vẹn, khuyết mất cái chân an ninh.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.