Biển, đảo Việt Nam hiện như thế nào?

>> Bài 1: Tìm hiểu luật biển, đảo

Nước ta có bờ biển dài trên 3.260 km; diện tích biển gấp ba lần diện tích đất liền (1.000.000 km2 biển/330.363 km2 đất liền). Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (2006) đã chỉ rõ: “Phát triển mạnh kinh tế biển vừa toàn diện vừa có trọng tâm, trọng điểm với những ngành có lợi thế so sánh để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế (...) nhanh chóng phát triển kinh tế-xã hội ở các hải đảo gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư (2007) về Chiến lược biển đến năm 2020 đã nêu mục tiêu tổng quát là: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo”...

Biển Đông là một trong sáu biển lớn nhất của thế giới, có diện tích chung khoảng 3.447.000 km2, tiếp giáp với các nước trong khu vực ASEAN, lục địa Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan.

Biển, đảo nước ta có tiềm năng tài nguyên rất đáng kể, phong phú và đa dạng, đặc biệt là tài nguyên sinh vật (cá, tôm, san hô, đồi mồi, chim yến...); tài nguyên thực vật, tài nguyên khoáng sản (dầu khí, than đá, quặng sắt, titan, cát thủy tinh, phân chim...); tài nguyên giao thông-vận tải biển, tài nguyên du lịch... Dầu khí với trữ lượng đã thăm dò, khảo sát khoảng 3-4 tỷ m3 dầu quy đổi. Riêng về hải sản có tổng trữ lượng khoảng 3-4 triệu tấn, khả năng cho phép khai thác 1,5-1,8 triệu tấn một năm.

Ở biển Đông, nước ta có khoảng 3.000 đảo phân phối không đều, chủ yếu tập trung ở hai khu vực biển Bắc bộ và Nam bộ. Những đảo và quần đảo ven biển như: Cô Tô, Cái Bầu (Quảng Ninh); Cát Bà, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng); Hòn Lớn, Hòn Tre (Khánh Hòa); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Phú Quý (Bình Thuận), Côn Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu); Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du (Kiên Giang)...

Đặc biệt có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ngoài khơi biển phía Đông, chạy dài từ khu vực tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế vào đến các tỉnh Nam bộ, bao gồm nhiều đảo nhỏ, bãi cát ngầm, bãi đá, bãi san hô. Năm 1974, Trung Quốc đã đưa quân đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa; 1988, Trung Quốc tiếp tục chiếm một số đảo lớn của quần đảo Trường Sa.

Hiện nay, một số nước trong khu vực (Malaysia, Philippines...) và chính quyền Đài Loan đã chiếm đóng một số đảo, bãi đá ngầm trong quần đảo Trường Sa. Brunei cũng tuyên bố giành chủ quyền một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa nhưng thực tế họ chưa chiếm giữ đảo nào. Việt Nam đang làm chủ một số đảo của quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo Trường Sa lớn.

Mấy chục năm nay trên biển Đông âm ỉ, có khi nổ ra tranh chấp về chủ quyền biển, đảo bằng vũ lực. Thách thức to lớn nhất là tranh chấp chủ quyền trên các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Để giải quyết mối quan hệ ngày càng phức tạp này, yêu cầu khách quan đòi hỏi phải có một hệ thống pháp luật đầy đủ và ý thức tôn trọng pháp luật rộng rãi của các nước để cùng nhau thiết lập trật tự ổn định trên biển.

. Hoàng Sa và Trường Sa cách Trung Quốc và nước ta bao xa?

Trần Quang Thắng (368B/9 Lập Thành, Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, Đồng Nai)

+ Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) là hai quần đảo lớn nhất nằm giữa biển Đông, cách xa nhau khoảng hơn 200 hải lý (370 km). Hoàng Sa gồm trên 30 đảo, cồn san hô, bãi cát, chiếm diện tích biển 15.000 km2, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 150 hải lý (270 km), cách bờ Việt Nam khoảng 170 hải lý (315 km). Trường Sa gồm hơn 100 đảo, bãi ngầm, bãi san hô, chiếm diện tích biển 180 ngàn km2, cách đảo Hải Nam khoảng 600 hải lý (hơn 1.100 km), cách bờ Việt Nam khoảng 200 hải lý.

(Độc giả có câu hỏi liên quan luật về biển, đảo xin gửi về Báo Pháp Luật TP.HCM, 470 Nguyễn Tri Phương, quận 10, TP.HCM, fax 08.38345102, e-mail:bandoc@phapluattp.vn)

MINH VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm