Bị động: Bài học đớn đau

Trong 12 năm gần đây (1996-2008), bão lũ, hạn hán, các loại thiên tai khác đã làm chết 9.600 người và thiệt hại tài sản ước tính chiếm 1,5% GDP/năm. Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới, bão lũ thường xuyên nên những con số như thế tiếp tục tăng khiến người dân lo ngại: Sự thụ động trước những hiểm họa này có tiếp tục dẫn đến những hậu quả khác không?

Trong số hàng trăm kết quả nghiên cứu về 1.000 năm Thăng Long đang công bố, tiếc là chưa có nghiên cứu nào đề cập tới kinh nghiệm phòng chống lũ lụt của cha ông. Chỉ biết cổ nhân thì luôn xác định lũ lụt là một trong bốn hiểm họa lớn: “thủy, hỏa, đạo, tặc” và lịch sử đối đầu với lũ lụt của cha ông luôn gắn liền quá trình dựng nước và giữ nước.

Còn theo một đề tài hiếm hoi của Bộ Khoa học và Công nghệ (chương trình KC.08/06-10), trong 50 năm qua nhà nước cũng đã làm một số việc như đã xây dựng được 800 hồ chứa lớn và vừa, 3.500 hồ chứa có dung tích trên 1 triệu m3, 10.000 trạm bơm, 5.700 km đê sông và 3.000 km đê biển. Tuy nhiên, đề tài đánh giá: “Công tác phòng tránh thiên tai vẫn còn bộc lộ những yếu kém như bị động, nặng về giải quyết tình huống khi có thiên tai, năng lực phản ứng còn chậm, cơ sở hạ tầng yếu kém, công tác dự báo, cảnh báo chưa theo kịp yêu cầu của thực tế, công tác tổ chức cứu trợ hiệu quả chưa cao. Một số hệ thống công trình hồ chứa ở miền Trung và trên lưu vực sông Đồng Nai khi xây dựng không quan tâm đến dung tích phòng cắt lũ v.v…”.

Hai năm qua, những cảnh báo đó đã không được tiếp thu. Năm 2009 là Nam Trung Bộ và năm 2010 này là Bắc Trung Bộ tiếp tục trả giá vì sự bị động trước lũ!

Bác Hồ từng rất đau đáu điều này. Đã có ít nhất bốn lần, đều vào dịp sắp có mưa bão, Bác trực tiếp nhắc chuyện phòng ngừa. Tháng 6-1947, Bác viết “Thư gửi đồng bào trung du và hạ du chống lụt”; ngày 15-6-1950, báoSự Thật đăng bức thư “Gửi đồng bào các tỉnh có đê”; ngày 16-7-1953, báo Nhân Dân đăng bài “Ra sức giữ đê phòng lụt”; ngày 28-7-1965, Bác viết bài “Phải sẵn sàng phòng chống bão lụt” trên báo Nhân Dân nhắc nhở “đề phòng lụt như đề phòng giặc... Tuyệt đối không nên chờ nước đến chân mới nhảy”.

Trước sinh mạng hàng chục đồng bào, có ai tự vấn mình chưa?

BẰNG LĨNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm