DỰ THẢO QUY CHẾ BẢO VỆ NGƯỜI TỐ CÁO THAM NHŨNG

Bảo vệ cả thân nhân người tố cáo

Cơ chế hữu hiệu bảo vệ người đấu tranh với tội phạm, trong đó có tố giác tham nhũng, một lần nữa được đặt ra tại phiên họp Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) vào đầu tuần trước. Đòi hỏi càng trở nên cấp bách khi công dân Nguyễn Tăng Tiên (phường An Bình, thị xã Dĩ An, Bình Dương) vì cùng những người dũng cảm khác phát hiện, dẫn giải đối tượng trộm cắp lên công an mà bị côn đồ hành hung, chém trọng thương.

Bộ Công an đang hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng về Quy chế bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng. Dự thảo đang ở khâu cuối lấy ý kiến các bộ, ngành, dự kiến trình Thủ tướng thông qua vào tháng 9 tới.

Chưa bảo vệ được trường hợp bị trả thù tinh vi

Ông Trần Văn Xuấn, Phó phòng Tham mưu Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng (C48 - Bộ Công an), người trực tiếp tham gia soạn thảo văn bản này, cho biết: Việc bảo vệ người làm chứng, người tố giác tội phạm cho đến nay mới chỉ được quy định rải rác, chung chung, mang tính nguyên tắc trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật PCTN, Luật Khiếu nại, tố cáo. Do không có văn bản hướng dẫn nên vấn đề này thường được các ban chuyên án lên kế hoạch vào từng vụ việc cụ thể, trong trường hợp cần thiết chứ không thành quy trình, thủ tục rõ ràng. “Như trong vụ án Dương Văn Khánh, tức Khánh "trắng" ở Hà Nội trước đây, khi người tố giác tội phạm thông báo bị đe dọa, ban chuyên án đã tổ chức lực lượng và có phương án bảo vệ ngay” - ông Xuấn cho biết.

Tuy nhiên, do không có văn bản hướng dẫn nên việc bảo vệ người tố giác tội phạm thường chỉ xử lý được những hành vi có khả năng dẫn tới một vụ việc hình sự. Nói như ông Trần Vi Dân, Vụ phó Vụ Pháp chế Bộ Công an, bảo vệ nhân chứng lâu nay thường được hiểu là “để ngăn chặn một vụ việc xâm hại an ninh trật tự có thể xảy ra, tác động trực tiếp tới nhân chứng, người tố giác tội phạm”.

Bảo vệ cả thân nhân người tố cáo ảnh 1

Anh Nguyễn Tăng Tiên trả lời phỏng vấn các báo đài trong lúc điều trị tại bệnh viện do bị chém trả thù. Ảnh: Võ Bá

Trong khi đó, đối tượng bị tố giác có nhiều phương thức, thủ đoạn để đe dọa, trả thù người tố cáo tham nhũng. Như trong các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, ông Phạm Thanh Bình, Bí thư phường, vì tích cực đấu tranh mà bị quận ủy “xử lý” bằng cách cho thôi chức vụ bí thư và chỉ đạo miễn nhiệm chức chủ tịch HĐND. Tương tự, liên quan đến vụ án tham nhũng xảy ra tại báo Người Cao Tuổi, nhà báo Phan Thị Thanh Hương bắt đầu từ những đấu tranh, góp ý trong sinh hoạt nội bộ mà bị lãnh đạo đuổi việc, tước thẻ nhà báo…

Theo ông Xuấn, phạm tội tham nhũng thường là người có chức, có quyền, có học thức nên trù dập, trả thù người tố giác ít khi bằng cách côn đồ, xã hội đen mà tinh vi hơn thông qua quyền luân chuyển, kỷ luật cán bộ. “Trù dập nhưng lập cả hội đồng kỷ luật, làm theo các thủ tục luật định trong thẩm quyền về công tác tổ chức cán bộ nên bên ngoài muốn can thiệp, bảo vệ người tố giác cũng khó” - ông Xuấn nói.

Được bồi thường nếu không được bảo vệ kịp thời

Để giải quyết vướng mắc ấy, dự thảo quy chế bảo vệ người tố giác tham nhũng dự liệu khá chi tiết về đối tượng được bảo vệ cũng như quyền của người được bảo vệ; nghĩa vụ của từng cơ quan chức năng khi nhận được yêu cầu bảo vệ; biện pháp bảo vệ.

Theo đó, khi tố giác tham nhũng, không chỉ người tố giác mà cả vợ/chồng, con, bố mẹ vợ/chồng, anh chị em ruột của người đó cũng được bảo vệ. Khi có căn cứ cho thấy vì tố cáo tham nhũng mà mình hoặc người thân bị kỷ luật, buộc thôi việc, bị luân chuyển công tác hoặc bị trù dập, phân biệt đối xử bằng bất cứ hình thức nào; bị đe dọa xâm hại hoặc xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích khác thì đều có quyền yêu cầu các cơ quan tổ chức, công an, quân đội bảo vệ.

Về biện pháp bảo vệ, với trường hợp có đe dọa về an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tố cáo tham nhũng và thân nhân của họ, công an quận, huyện (hoặc quân đội, trong trường hợp người được bảo vệ thuộc quản lý của quân đội) phải bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để bảo vệ. Còn khi hành vi trù dập là kỷ luật, buộc thôi việc, điều chuyển công tác… thì cơ quan cấp trên của cấp đã ra quyết định hành chính, hành vi hành chính phải đình chỉ, tạm đình chỉ, hủy bỏ quyết định, việc làm của cấp dưới có trách nhiệm bảo vệ.

Ràng buộc trách nhiệm cao hơn trong việc bảo vệ người tố giác tham nhũng, dự thảo quy chế còn quy định người được bảo vệ có quyền được bồi thường nếu bị thiệt hại xảy ra trong quá trình áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc thiệt hại do đã yêu cầu mà không được bảo vệ kịp thời.

Bảo vệ nhân chứng, người bị hại trong vụ án hình sự

Ngoài quy chế riêng cho việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng, Bộ Công an còn xây dựng thông tư liên tịch về bảo vệ người làm chứng, người bị hại trong tố tụng hình sự. Theo ông Trần Vi Dân, Vụ phó Vụ Pháp chế Bộ Công an, bảo vệ nhân chứng, người bị hại là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó công an là lực lượng nòng cốt.

Để làm rõ hơn về quy trình, trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trong nội dung này, dự thảo thông tư quy định trong quá trình vụ án hình sự đang được giải quyết, nếu bị đe dọa, nhân chứng, người bị hại có quyền yêu cầu tòa án, VKS, cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án bảo vệ mình. Tòa án, VKS nhận được yêu cầu phải thông báo cho cơ quan điều tra để bố trí lực lượng bảo vệ…

Bảo vệ nhân chứng, ngườ bị hại trong vụ án hình sự tuy là một nội dung trong hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, song chưa có cơ chế tài chính rõ ràng bảo đảm hoạt động. Nhưng khi có văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể, ngân sách của cơ quan tố tụng, nhất là công an sẽ được dự toán riêng kinh phí hằng năm cho nội dung này.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm