Ban hành văn bản phải vì lợi ích của dân

Một trong những vấn đề được các đại biểu bàn luận sôi nổi về cải cách thể chế là những đổi mới trong nghiên cứu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng: “Công tác lập pháp của ta đang thiếu một hệ thống các tiêu chí trong quá trình nghiên cứu soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, làm căn cứ để biết cái nào đúng, cái nào sai, phù hợp hay không phù hợp. Ông Cung chỉ ra thực tế: “Vì thiếu các tiêu chí nên ai nói cũng đúng, thậm chí có những ý kiến khác nhau cũng đều đúng cả. Cuối cùng đưa ra lại là giải pháp... thỏa thuận. Những vấn đề quan trọng, nhận được sự đồng thuận cao thì được thông qua. Vấn đề không được đồng thuận hoặc quá khó thì giao về cho Chính phủ. Vì vậy mới có tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư như hiện nay”.

Ông Nguyễn Bá Truyền, Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Lâm Đồng (Đại biểu Quốc hội khóa 12), chỉ ra một tồn tại của các văn bản luật hiện nay: “Nhiều chính sách đang rơi vào tình trạng “sáng đúng chiều sai, sáng mai lại đúng”, do quá trình nghiên cứu chưa kỹ nên khi áp dụng vào thực tế bị vênh, lại phải bãi bỏ.

Theo ông Truyền, cải cách thể chế phải mở rộng dân chủ của dân. Thực tế, nhiều văn bản quy phạm pháp luật ban hành sai hoặc không phù hợp nhưng dân không kiện được.

Theo ông Cung, quá trình cải cách quy định pháp luật nên thực hiện theo kinh nghiệm của một số nước bằng hai giải pháp đánh giá tác động văn bản quy phạm pháp luật và cắt xén. Cần chú ý đến các tác động của văn bản khi ban hành để đánh giá sự cần thiết của văn bản, từ đó có những dự đoán các giải pháp cụ thể phù hợp và chọn giải pháp tối ưu nhất để đưa vào nội dung văn bản. Tuy nhiên, “nếu tổng chi phí để ban hành và thực thi một quy định pháp luật thấp hơn chi phí do hiệu quả của quy định này mang lại thì nên ban hành văn bản đó. Ngược lại nếu thấp hơn thì không nên ban hành” - ông Cung lưu ý. Bên cạnh việc đánh giá tác động văn bản quy phạm pháp luật còn phải kết hợp cắt bỏ những thủ tục, quy định không hợp lý, rườm rà, chồng chéo.

Ông Phùng Văn Hùng, Trung tâm Thông tin-Thư viện-Nghiên cứu khoa học, ủng hộ hai giải pháp này và cho rằng: “Các quy định pháp luật cần có sự đánh giá tác động từ các cấp. Cần hạn chế những quy định không hợp lý để không bị mất uy tín với người dân”...

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm