Án tham nhũng: Giơ cao, đánh khẽ

Trên diễn đàn Quốc hội tuần qua, các đại biểu đã cùng mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, “thách thức sự kiên nhẫn, sự chịu đựng của nhân dân”. Còn trong thực tế, điều tra, phanh phui một vụ tham nhũng khó khăn muôn phần nhưng khi đưa ra xét xử thì không ít bị cáo lại được xử nhẹ, đến khi bị kết án rồi thì được giảm án, tha tù trước hạn một cách dễ dàng. Chính điều này đã ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

“So với các vụ án trị an khác, trong các vụ án tham nhũng, thông tin ban đầu rất hoành tráng nhưng qua quá trình điều tra, truy tố và xét xử thì lại teo dần dần. Tại sao có thực trạng như vậy? Tội phạm tham nhũng ngày càng tinh vi, đối tượng phạm tội am hiểu pháp luật nên che giấu hành vi phạm tội kỹ càng. Do đó việc điều tra tội phạm tham nhũng khó khăn hơn so với tội phạm khác và hay bị áp lực nhiều hơn” - luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, thẳng thắn nói.

Vạch mặt kẻ tham nhũng khó như lên trời

Luật sư Nghiêm phân tích: Án tham nhũng khó điều tra so với tội phạm khác vì nghi can là những người có địa vị và có nhiều mối quan hệ. Họ có trình độ học vấn, am hiểu pháp luật cao và phần nhiều là có tiền. Với các đối tượng phạm tội khác, khi cơ quan điều tra phát hiện đối tượng có dấu hiệu phạm tội thì có thể áp dụng các biện pháp tố tụng ngay. Nhưng nếu phát hiện đối tượng có dấu hiệu phạm tội tham nhũng mà đối tượng đó giữ chức vụ cao thì trước khi khởi tố, cơ quan điều tra phải thận trọng, thậm chí phải xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền thì mới áp dụng các biện pháp tố tụng. “Đây là thời gian vàng để đối tượng tham nhũng tẩu tán các tài liệu hồ sơ có thể gây bất lợi cho họ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng “đầu voi, đuôi chuột” trong các vụ án tham nhũng” - ông Nghiêm nhận định.

Án tham nhũng: Giơ cao, đánh khẽ ảnh 1

Một phiên xét xử tham nhũng tại TAND TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD

Nói về sức ép khi điều tra vụ án tham nhũng, một lãnh đạo cơ quan điều tra Công an TP.HCM từng chia sẻ: “Anh em chúng tôi thường căn dặn nhau rằng “đánh trận này mà nó không chết thì mình chết”. Để điều tra, khám phá các vụ án tham nhũng, anh phải nuôi dưỡng tâm hồn, tu rèn đạo đức và xác định quan điểm sống. Khi có bản lĩnh và đủ căm giận với hành vi gây hại cho nước, cho dân thì mới vượt qua được áp lực”.

Một thẩm phán (đề nghị không nêu tên) từng xét xử nhiều vụ án tham nhũng cũng cho biết khi được phân công xét xử vụ án tham nhũng, nhất là với các bị cáo từng giữ chức vụ cao thì thẩm phán đó càng gặp nhiều áp lực. Nếu không bản lĩnh, thẩm phán thường chọn giải pháp an toàn là tuyên bản án nhẹ hơn so với hành vi phạm tội. “Không ít vụ án tham nhũng, không phải vì bị can thiệp hay tiêu cực mà thẩm phán đó nhận thấy rằng mối quan hệ của các bị cáo có thể ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm thẩm phán cho nhiệm kỳ sau nên chọn giải pháp an toàn” - vị này bộc bạch.

Tùy tiện xử dưới khung

Nếu như vạch mặt kẻ tham nhũng là quá trình không mấy dễ dàng thì khi ra tòa, nhiều kẻ tham nhũng lại được hưởng mức án nhẹ nhàng, không tương xứng với hành vi phạm tội. Đơn cử như vụ tham ô tại BHXH thị xã Long Khánh, Đồng Nai. Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 1-2008 đến tháng 4-2010, Nguyễn Thị Thanh Lan (thủ quỹ kiêm kế toán BHXH thị xã Long Khánh) tự ý thu gần 3,2 tỉ đồng trái quy định của 15 xã, phường và 39 trường học trên địa bàn và chiếm đoạt. Ngoài ra, Lan đã giả mạo chữ ký giám đốc viết 17 tờ séc để rút hơn 8 tỉ đồng nhưng chỉ nộp lại hơn 7 tỉ đồng, giữ hơn 1,1 tỉ đồng. Tổng cộng Lan đã tham ô của BHXH thị xã Long Khánh hơn 4,3 tỉ đồng.

Lan bị VKS truy tố khoản 4 Điều 278 BLHS về tội tham ô tài sản có khung hình phạt từ 20 năm, chung thân đến tử hình. Thế nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai vận dụng các tình tiết giảm nhẹ tuyên Lan chín năm tù. Đáng lưu ý, theo Điều 47 BLHS, khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ, tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Trong vụ án này, tòa tuyên bị cáo Lan chín năm tù thấp hơn khung hình phạt liền kề (khoản 3 Điều 278 BLHS từ 15 đến 20 năm).

Tình trạng xử treo, xử dưới khung đối với tội phạm tham nhũng cũng được các báo cáo của cơ quan chức năng báo động. Theo đó, một số tỉnh như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Cà Mau áp dụng Điều 47 BLHS để xử dưới khung hình phạt tới hơn 80% bị cáo, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ hơn 50% bị cáo tham nhũng. Đây là tỉ lệ cao bất thường so với việc áp dụng luật hình sự trong các loại án khác không thuộc nhóm tham nhũng và gây bất bình, bức xúc trong dư luận.

Trên thực tế, phạm nhân tội tham nhũng cũng có nhiều thuận lợi hơn các bị án khác trong việc giảm án, xét đặc xá tha tù trước thời hạn do nhân thân tốt, khắc phục hậu quả.

Các tình tiết giảm nhẹ phải ghi rõ trong luật

Pháp Luật TP.HCMtrao đổi với đại biểu QH Hồ Văn Năm, Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai, xung quanh câu chuyện vì sao án tham nhũng khó điều tra nhưng lại được xử nhẹ.

. PV: Có nhiều vụ án gây thiệt hại lớn tài sản nhà nước, ban đầu khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng nhưng sau đó lại chuyển sang các tội danh khác nhẹ hơn như cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm… Tại sao vậy, thưa ông?

+ Ông Hồ Văn Năm: Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến án tham nhũng lúc đầu lớn nhưng qua quá trình điều tra, truy tố thì nhỏ dần.

Thứ nhất, thông tin ban đầu thường báo cáo số thất thoát lớn nhưng quá trình điều tra không thể chứng minh tất cả số thất thoát đó do tham nhũng mà do nhiều hành vi khác. Thứ hai, hiện nay nhận thức và vận dụng pháp luật về một số tội tham nhũng ở các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương chưa thống nhất bởi vì các điều luật của nhóm tội phạm tham nhũng còn chung chung. Thứ ba, đội ngũ trực tiếp tham gia công tác phòng, chống tham nhũng phải có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức và năng lực trình độ thì mới có thể thực hiện tốt nhiệm vụ.

. Các bị cáo tội tham nhũng thường có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ là nhân thân tốt, phạm tội lần đầu nên thường được hưởng mức án khoan hồng. Nếu cứ như vậy thì liệu có đủ sức răn đe với nạn tham nhũng?

+ Đó là thực tế hiện nay. Điều 47 BLHS quy định: Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS, tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật... Ngoài các tình tiết giảm nhẹ ghi cụ thể thì khoản 2 Điều 46 BLHS còn quy định thêm là “khi quyết định hình phạt, tòa án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ nhưng phải ghi rõ trong bản án”. Chính từ quy định này, hội đồng xét xử có thể vận dụng các tình tiết khác để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo phạm tội tham nhũng.

Theo tôi, tất cả tình tiết giảm nhẹ đều cần ghi rõ cụ thể trong luật để tránh việc tùy tiện, lợi dụng để xem xét các tình tiết giảm nhẹ. Một vấn đề nữa là khoảng cách khung hình phạt nhóm tội tham nhũng khá rộng, cần phải thu hẹp lại. Ví dụ ở khoản 2 Điều 278 về tội tham ô, bị cáo có thể bị tuyên từ bảy đến 15 năm tùy thuộc vào xem xét, đánh giá của hội đồng xét xử.

. Xin cảm ơn ông.

Cho phép điều tra bí mật

Theo quy định hiện hành, trừ tội phạm ma túy và an ninh quốc gia, mọi biện pháp điều tra, thu thập chứng cứ chỉ được tiến hành sau khởi tố vụ án. Thực tế, người có chức vụ quyền hạn thường là đảng viên và theo quy định của Đảng, khi khởi tố, điều tra phải theo quy trình báo cáo của Đảng. Việc này là hợp lý nhưng vấn đề là làm sao bảo đảm tính bí mật, kịp thời trong xử lý án, tránh lộ lọt tin, mà trường hợp Dương Chí Dũng bỏ trốn là ví dụ. Vì vậy cần cho áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt với loại tội phạm này. Nhưng kèm theo phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, nếu không sẽ dẫn tới lạm dụng, làm oan.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp  LÊ THỊ NGA (trả lời báo giới bên hành lang QH ngày 1-11)

Cương quyết không cho treo

Ngay kỳ họp này, QH khi ban hành nghị quyết về công tác tư pháp cần yêu cầu tòa án thôi áp dụng án treo, cải tạo không giam giữ đối với bất kỳ người nào phạm tội tham nhũng. Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch nước và các cơ quan thi hành án không tha tù trước thời hạn cho đối tượng phạm tội tham nhũng. Việc làm này thuộc thẩm quyền của QH và xin QH hãy tỏ rõ thái độ của mình không chỉ bằng lời nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh TRẦN ĐÌNH NHÃ(phát biểu tại nghị trường ngày 1-11)

TRUNG DUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm