37 ngư dân bị cáo buộc “trộm” hải sản quý hiếm

Theo kế hoạch, hôm nay (31-8), Tòa án Palawan (Philippines) sẽ xem xét chứng cứ của bên nguyên buộc tội 37 ngư dân Việt Nam về tội thu gom, tàng trữ động vật hải sản quý hiếm. Là người trợ giúp pháp lý cho các ngư dân, cung cấp chứng lý cho tòa án, luật sư biện hộ và công tố viên nhằm bảo vệ quyền lợi cho các ngư dân này, luật sư Hà Hải (ảnh), Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định với Pháp Luật TP.HCM: “Những chứng cứ buộc tội của bên nguyên không thuyết phục”.

Rắc rối chỉ vì hai con ốc

. Luật sư có thể cho biết chi tiết về những rắc rối mà 37 ngư dân thuộc hai tàu cá của ông Trần Hút và Nguyễn Thanh Nhàn này đang đối diện với phiên tòa xem xét chứng cứ ngày 31-8?

37 ngư dân bị cáo buộc “trộm” hải sản quý hiếm ảnh 1
+ Luật sư Hà Hải: Cuối tháng 5-2011, 122 ngư dân của đảo Phú Quý (Bình Thuận) trên bảy con tàu trên đường sang Philippines đánh bắt hải sản theo hợp đồng kinh tế giữa Doanh nghiệp tư nhân Long Hải Long (Việt Nam) và Công ty Premiere International Interfishing (Philippines). Tuy nhiên, do chưa hoàn tất thủ tục pháp lý cần thiết nên họ đã bị phía Philippines bắt giữ cách bờ biển Tamburok, Balabac, tỉnh Palawan của Philippines khoảng hai hải lý (tương đương khoảng 3,6 km). Trong số đó, 85 ngư dân đã được Tòa án tỉnh Palawan ra quyết định thả ngay trong ngày 26-8.

37 ngư dân còn lại cùng hai thuyền trưởng bị cáo buộc đã thu gom, tàng trữ hải sản quý hiếm trái phép. Cụ thể, Philippines tìm thấy hai con ốc trên hai chiếc thuyền của 37 ngư dân này.

. Với cáo buộc trên, những ngư dân này sẽ đối diện với mức truy cứu cụ thể ra sao, thưa ông?

+ Loại ốc này nước ta không liệt kê vào danh mục động vật quý hiếm nhưng theo luật nước bạn, đây là loài hải sản quý hiếm cấm đánh bắt, thu gom, tàng trữ… Theo Điều 97 Luật Tài nguyên Môi trường của Philippines, hành vi thu gom, tàng trữ hải sản quý hiếm có thể sẽ bị phạt từ 12 đến 20 năm tù. Ngoài ra còn bị phạt tiền với mức 120.000 peso/người (peso tương đương 500 đồng) và tiêu hủy toàn bộ phương tiện, ngư cụ vi phạm.

37 ngư dân bị cáo buộc “trộm” hải sản quý hiếm ảnh 2

Thuyền trưởng Trần Hút (bìa phải) - một trong hai thuyền trưởng đang đối mặt với cáo buộc tàng trữ, thu gom hải sản quý hiếm trái phép. Ảnh: HÀ HẢI

Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào thì việc tịch thu, tiêu hủy hai chiếc tàu (phương tiện, tang vật vi phạm) là không phù hợp với quy định của pháp luật Philippines. Cụ thể, theo Điều 45 Bộ luật Hình sự cải cách của Philippines thì phương tiện, tang vật vi phạm thuộc bên thứ ba chứ không phải thuộc người gây án thì không được tịch thu. Qua chứng cứ mà chúng tôi đã thu thập được thì hai con tàu này (trị giá khoảng 3 tỉ đồng/tàu) là do số tiền tích cóp, vay mượn của người dân đảo Phú Quý chứ không hoàn toàn của riêng hai thuyền trưởng này.

Chứng cứ chưa thuyết phục

. Là người tham gia hỗ trợ pháp lý cho các ngư dân này, nhận định của ông về những cáo buộc trên như thế nào?

+ Lúc 9 giờ 30 ngày 30-5, 122 ngư dân cùng bảy chiếc tàu đã bị bắt giữ và ngay lập tức họ bị cách ly với những chiếc tàu của mình. Ngày 10-6, tức hơn 10 ngày sau, cơ quan chức năng của Philippines mới tiến hành lục soát các con tàu và thông báo tìm thấy những chứng cứ vi phạm đã nêu. Khi lục soát, họ có yêu cầu hai thuyền trưởng chứng kiến và các thuyền trưởng này phát hiện tủ bị phá và mất một số vật dụng. Điều này cho thấy quy trình thu thập chứng cứ đã sai.

Cáo buộc đánh bắt cá bất hợp pháp trên vùng biển Philippines thì có nhân chứng nhưng với cáo buộc thu gom, tàng trữ hải sản quý hiếm lại không có nhân chứng. Ngoài ra, về mặt thực tế, theo hải trình của bảy chiếc tàu này, họ đã xuất phát từ vùng biển Phú Quý, ghé dừng ở một đảo thuộc quần đảo Trường Sa của chúng ta rồi qua thẳng Philippines. Bảy chiếc tàu chở 122 ngư dân đã không dừng một đảo nào của Philippines thì làm sao thu lượm con ốc nón (ở dưới biển) mang lên tàu. Nếu có thì hai con ốc này được các ngư dân mang từ Việt Nam sang.

. Liệu những lập luận nêu trên có được xem xét và những khả năng có thể xảy ra cho 37 ngư dân này là gì, thưa ông?

+ Những dẫn chứng này đã được chúng tôi cung cấp cho tòa án, luật sư biện hộ và công tố viên để họ xem xét và tòa án sẽ ra phán quyết cuối cùng. Có hai khả năng xảy ra: hoặc là tòa án giải trừ cáo buộc vi phạm đối với các ngư dân, hoặc là buộc tội. Trong trường hợp tòa án giải trừ cáo buộc là phù hợp với thực tế khách quan. Còn nếu buộc tội thì các ngư dân này đã bị hàm oan. Khi đó ngoài việc phạt tù, các ngư dân còn đối diện với những hình phạt bổ sung mà tôi đã nêu.

Trong vụ việc này, tất cả ngư dân là những lao động nghèo, học vấn thấp, đã có những chứng cứ chứng minh họ là những nạn nhân. Ngoài ra, tôi tin rằng với sự cố gắng tích cực của cơ quan ngoại giao phía ta, Tòa án tỉnh Palawan sẽ xem xét, phóng thích họ.

. Xin cảm ơn ông.

Bảy chiếc tàu chở 122 ngư dân đảo Phú Quý (Bình Thuận) qua Philippines đánh bắt cá theo hợp đồng thỏa thuận giữa Doanh nghiệp tư nhân Long Hải Long đã ký kết với một đối tác ở Philippines, khi vào lãnh hải của Philippines thì bị hải quân nước này bắt giữ. Những ngư dân này bị cáo buộc đánh bắt cá bất hợp pháp, xâm nhập bất hợp pháp và thu gom, tàng trữ hải sản cấm. Ngày 26-8, Tòa án tỉnh Palawan tuyên phóng thích 85 ngư dân. Tuy nhiên, 37 ngư dân và hai chiếc tàu vẫn bị cáo buộc tàng trữ hải sản cấm.

Ông Nguyễn Vũ Tú, Đại sứ Việt Nam tại Philippines, cho biết luật pháp Philippines chỉ cho phép mỗi một hình thức là liên doanh đánh bắt cá trong vùng biển nước họ. Trong đó, phía nước ngoài chỉ được góp vốn tối đa 40%, đồng thời phải sử dụng lao động của Philippines.

MINH PHONG thực hiện 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm