35 năm bước chân xung kích - Bài 3: Dấu chân mở đất

Nhìn thị trấn Kiến Đức, huyện Đăk R’lấp (Đăk Nông) nhộn nhịp hôm nay, khó lòng tưởng tượng hơn 30 năm trước vùng này không một bóng người. Quốc lộ 14 bấy giờ chưa thông, ôtô, xe khách chưa qua được, con đường sau chiến tranh gồ ghề, đứt khúc này thỉnh thoảng mới có vài chiếc xe reo thồ gỗ từ trong rừng lầm lũi bò ra.

“Ấy vậy mà chỉ một thời gian ngắn sau ngày TNXP đặt chân đến, vùng đất nơi đây bắt đầu thu hút dân cư lũ lượt đổ về”. Anh Đào Đình Thi, Phó Giám đốc Trường Giáo dục Đào tạo và Giải quyết việc làm số 1 (gọi tắt là Trường 1) đóng ở Đăk Nông, người có 29 năm gắn bó với lực lượng TNXP và với vùng đất này, hồi tưởng lại.

Vùng quê mới

Anh Thi kể thời Fulro hoạt động nhiều, để đảm bảo an toàn cho bà con dân tộc, chính quyền đã đưa dân về sống tập trung một nơi gần đường quốc lộ bây giờ. “Lúc ấy vắng lắm, thảng hoặc mới gặp vài người Kinh đi làm gỗ trong rừng. Con đường từ ngã ba Kiến Đức vào trường bây giờ chỉ là lối mòn của bà con dân tộc địa phương hồi đó luồn rừng. Khi những anh chị TNXP thuộc thế hệ đầu tiên đặt chân đến, công việc đầu tiên của họ là dựng lán làm nhà, khơi tìm dòng nước và bắt tay khai hoang sản xuất. Khi những vạt đất đầu tiên bắt đầu nhú mầm xanh sắn, đậu cũng là lúc con đường rừng lác đác bóng dân cư đến làm rẫy, dựng chòi”.

35 năm bước chân xung kích - Bài 3: Dấu chân mở đất ảnh 1

Vùng rừng núi hoang vu ngày trước nay đã là thị trấn Kiến Đức, huyện Đăk R’lấp (Đăk Nông) trù phú. Ảnh: THÁI BÌNH

“Một lần, anh em chúng tôi đi đốn cây lồ ô, buổi tối phải ngủ lại trong rừng. Khuya, bọn Fulro ập đến, vũ khí, đạn dược đầy người, yêu cầu chúng tôi cho thức ăn, gạo muối. May sao, lấy gạo xong chúng bỏ đi chứ không quay lại “đoành đoành”…”. Anh Thi kể những ngày đầu đến đây, đời sống của TNXP trăm bề cực khổ. Ăn uống kham khổ, sốt rét rừng hành hạ, muỗi vắt ngày đêm thay phiên “chăm sóc”. Nhiều bữa ăn chỉ có món canh bí lõng bõng nước. Được cái mọi người yêu thương trên dưới đoàn kết một lòng. Ngày đi làm, tối về sinh hoạt, học tập. Nhiều đêm anh em ngồi vây quanh đống lửa bập bùng cùng nhau kể chuyện, hát hò để xua đi cái đói rét và nỗi gian lao vất vả nhọc nhằn.

“Đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, những xóm nhà đầu tiên dựng lên bên sườn đồi dọc quốc lộ 14 gần ngã ba Kiến Đức chính là những ngôi nhà “ra riêng” của TNXP. Đó là những cặp gia đình TNXP kết hôn, đơn vị đã tự “quy hoạch” làm nhà để họ yên tâm công tác. Chính tôi và vợ mình, cũng là TNXP, kết hôn trong dịp này” - anh Thi cười.

Rồi hàng quán mọc lên, dân cư bắt đầu tụ về. Bắt đầu là những hộ di dân tự do, trước đến đây làm rẫy rồi về, nay thấy có người định cư, họ cùng nhau xây nhà trụ lại. Rồi dân định cư theo chương trình kinh tế mới của Nhà nước, dân buôn bán vật tư nông nghiệp, cung ứng hàng hóa thiết yếu trong vùng… cũng lũ lượt kéo về dựng xây cuộc sống mới.

Những ngày đầu khi bà con đến lập nghiệp, TNXP còn có thêm nhiệm vụ giúp họ ổn định cuộc sống. Nào là chặt cây làm nhà, hướng dẫn canh tác, tìm nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt. Nào là mở lớp xóa mù, giúp trẻ con xa trường bắt đầu ê a học chữ. Người dân có chuyện gì cũng chạy đến nhờ TNXP, khi đau yếu, bệnh nặng, TNXP là người sẵn lòng lái xe đưa họ lên tuyến trên cứu chữa…

35 năm bước chân xung kích - Bài 3: Dấu chân mở đất ảnh 2

Chăm sóc rau xanh ở Trường Giáo dục Đào tạo và Giải quyết việc làm số 2 (Lâm Hà, Lâm Đồng). Ảnh: THÁI BÌNH

Sau gần 10 năm dấu chân của TNXP đặt đến, một thị tứ đông vui, tấp nập bắt đầu lộ diện. Rồi trường học, trạm xá, bến xe, chợ búa mọc lên. Một cuộc sống mới bắt đầu hình thành trên vùng quê hương mới.

Năm 1986, huyện Đăk Nông (Dăk Lăk) tách ra, khu thị tứ quanh ngã ba Kiến Đức trở thành thị trấn huyện lỵ mới Đăk R’lấp. 15 năm sau, phía sâu trong trụ sở chính của Trường 1, nơi trước đây không một bóng người, chính quyền lại lập nên huyện mới.

“Có thể nói, nếu không có TNXP đặt chân đến, nơi này chưa chắc đã thành vùng quê trù phú, thu hút dân cư đông đúc như bây giờ” - anh Thi nhận định.

Những vùng đất hồi sinh

Chuyện kể rằng có một đêm những cựu TNXP họp mặt, sau những ly rượu nghĩa tình, bỗng có người đề nghị thuê xe lên Tây Nguyên tìm thăm chốn cũ. Rượu ngà say, kỷ niệm xưa trong ký ức tràn về làm cháy bùng lên nỗi nhớ. 12 giờ đêm, hơn 10 chàng trai thuở nào - giờ có người đã làm sui gia và lên chức ông - lập tức ngồi xe thẳng tiến Đăk Nông. Chuyện trò rôm rả một hồi, rượu ngấm say, họ ngủ gà gật trên xe.

Sáng sớm, xe dừng. Mọi người tỉnh giấc. “Ê, mình có đến nhầm chỗ không đấy?” - một người lên tiếng. Tài xế bảo không nhầm, nếu địa chỉ mấy anh đưa là… không lẫn. Tất cả dụi mắt. Đường nhựa láng o. Nhà xây mát mắt. Trẻ con líu lo nhóm ba nhóm bảy đến trường. Mọi người ngẩn ngơ, khó diễn tả được cảm xúc lúc này, bởi tâm trạng vui, buồn đan xen lẫn lộn. Mọi thứ thay đổi nhanh quá. Gần 30 năm trước, khi họ đến mở trường, dựng lán, lập nên Trường Giáo dục Lao động Công nông nghiệp 2, nơi đây không một bóng người.

Anh Võ Trung Tâm, Chánh văn phòng Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cựu Tổng đội trưởng Tổng đội 6 TNXP, kiêm Giám đốc Trường 2, vừa nói vẫn còn xúc động khi kể lại chuyện này. Anh nói sau khi dựng trường, bên cạnh việc giáo dục, dạy nghề bộ phận thanh niên chậm tiến, Tổng đội 6 lao vào khai hoang, sản xuất. Không lâu sau, thấy có TNXP đến cắm chốt, bà con dân cư bắt đầu kéo đến lập nghiệp, dần hình thành những khu dân cư đông đúc. Giờ đây, buôn Đăk Mâm, “căn cứ địa” của TNXP trước đây, đã là thị trấn của huyện Krông Nô (Đăk Nông) sầm uất, đẹp giàu…

Có thể nói dấu chân của TNXP đặt đến nơi nào, vùng đất nơi ấy chẳng mấy chốc hồi sinh, biến thành những vùng quê trù phú. Từ những mảnh đất ngoại thành tan hoang, cằn cỗi đến những cánh đồng hoang hóa Long An hay bưng biền xa xôi miệt An Biên (Kiên Giang), Hồng Dân (Minh Hải); từ núi rừng hoang vu ở Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu), Phú Giáo (Bình Dương) đến khu ngập mặn Cần Giờ đầy ô rô, cóc kèn, lau sậy… Bàn tay lao động cần cù của những người trẻ tuổi đã biến những nơi này thành vành đai xanh, thành những bờ xôi ruộng mật và những vườn cây cao su bát ngát, bạt ngàn.

Có nhớ lại bao khó khăn những ngày sau giải phóng, khi TP.HCM phải thực hiện chế độ phân phối lương thực theo thời chiến… mới thấy được ý nghĩa của thành quả lao động mà lực lượng TNXP TP đã đóng góp bấy giờ. Chỉ tính riêng chỉ trong ba năm đầu, lực lượng TNXP đã xắn tay áo khai hoang, cải tạo được 70.000 ha diện tích gieo trồng ở ngoại thành TP. Sinh thời, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã gọi đó là “70.000 ha phải trả bằng máu”, máu của những TNXP ngã xuống vì sốt rét rừng, vì trúng phải bom mìn thời chiến tranh sót lại.

Trong cái trù phú, đẹp giàu của quê hương xứ sở hôm nay có sự đóng góp bằng mồ hôi, xương máu của những người trẻ ngày ấy.

Vài con số

Từ khi thành lập đến nay, lực lượng TNXP TP đã:

Xây dựng được 46 xã kinh tế mới, góp phần định cư cho hơn bốn vạn dân TP đi lập nghiệp tại những vùng quê hương mới.

Đào đắp hơn 1,3 triệu m3 đất ở Kinh Đông - Củ Chi và các công, nông, lâm trường.

Xóa mù chữ cho hơn 12.000 lượt người; dạy bổ túc văn hóa cho hơn 25.000 người; đào tạo và bồi dưỡng trình độ sơ-trung cấp, đại học và trên đại học cho hơn 9.000 lượt người.

35 năm bước chân xung kích - Bài 3: Dấu chân mở đất ảnh 3

Dạy văn hóa cho người cai nghiện ở Trường Giáo dục Đào tạo và Giải quyết việc làm số 3 (Phú Giáo, Bình Dương). Ảnh: THÁI BÌNH

Quản lý, giáo dục, dạy nghề và tổ chức lao động cho hơn 33.000 lượt học viên và người sau cai nghiện.

Cung cấp 100 cán bộ lãnh đạo cho TP.HCM và trung ương, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp.

NGÔ THÁI BÌNH

Kỳ tới: Nơi ấy có những người dám đến…

Sau phút giật mình, suy tính, cô cử nhân trẻ quyết định vác ba lô lên rừng, tiếp nối truyền thống xung kích của những thế hệ TNXP dấn thân, dám sống, dám tự khẳng định mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm