Cao tốc lớn nhất miền Trung 'tắc' 22 km

Ngày 6-5, đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam về tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Chậm giao mặt bằng

Theo Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC), đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có chiều dài gần 140 km đi qua ba địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nhưng tới nay đơn vị này chỉ mới được bàn giao 117,2 km mặt bằng sạch.

TP Đà Nẵng đã cơ bản bồi thường xong đất nông nghiệp, bàn giao cho nhà thầu 6,7 km. Tuy nhiên, phần đất thổ cư vẫn chưa thể bàn giao mặt bằng do chưa bố trí được tái định cư. Nhiều vị trí chưa có mặt bằng thi công do vướng nhà dân, mồ mả, công trình công cộng… Theo thống kê, hiện còn tới 627 hộ dân của huyện Hòa Vang chưa được bố trí tái định cư. Phía VEC đã đề nghị TP Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ xây dựng ba khu tái định cư gồm Hòa Nhơn, Lệ Sơn và Hòa Thọ Tây - Hòa Nhơn nhưng đến nay TP chỉ mới chọn được nhà thầu xây dựng một khu (Hòa Nhơn).

Vướng giải phóng mặt bằng, nhiều đoạn đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi phải tạm dừng thi công. Ảnh: TT

Trong khi đó, Quảng Nam chỉ mới bàn giao được hơn 74 km, còn 17 km vẫn nghẽn do chưa thể bố trí tái định cư cho hơn 253 hộ dân. Địa phương này dự định xây dựng 19 khu tái định cư nhưng chỉ mới hoàn thành được 11 khu. Tại buổi làm việc với Bộ GTVT và chính quyền địa phương, VEC đề nghị Quảng Nam sớm hoàn thành các khu tái định cư còn lại để sớm di dời các hộ dân thuộc diện giải tỏa. Đồng thời trong tháng 5 cần di dời hết khoảng 200 ngôi mộ còn nằm rải rác dọc tuyến.

“Các địa phương và nhà thầu khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành giải phóng mặt bằng trước ngày 30-6 nhằm đảm bảo tiến độ. Nếu việc thi công gây hư hỏng nhà dân thì chủ thầu phải đo đạc, kiểm kê để bồi thường thỏa đáng, tránh khiếu kiện” - ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, yêu cầu.

Dân đi không được, ở không xong

Một cán bộ của VEC thông tin hiện hầu hết khu tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng tại ba địa phương trên đều chậm hoàn thành. Qua tìm hiểu, hàng trăm hộ dân sống trong vùng giải tỏa, thi công đường đang lâm vào cảnh “đi không được, ở không xong”. Ngoài một số hộ không đồng tình với phương án bồi thường thì nhiều hộ chấp hành nghiêm chỉnh cũng khốn đốn.

“Nhà tôi nằm trong diện giải tỏa nhưng hơn một năm nay vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Chúng tôi cũng không biết sẽ được bố trí tái định cư ở đâu. Nhà cửa xuống cấp, hư hỏng không dám sửa. Công việc làm ăn cũng bị ảnh hưởng” - anh Trần Văn Dũng, thôn Thạch Nham Tây, Hòa Nhơn, Hòa Vang, TP Đà Nẵng than thở.

Nhiều hộ dân thôn Thạch Nham Đông (Hòa Nhơn) cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Anh Hoài Nam cho biết họ sẵn sàng nhận tiền bồi thường để di dời nhưng chính quyền phải bố trí nơi tái định cư sớm. “Chúng tôi nhiều lần hỏi về vấn đề bố trí tái định cư nhưng chính quyền cứ bảo chờ. Không có đất làm nhà mới trong khi nhà cũ đã bị đập hỏng, phải đi thuê trọ ở tạm” - anh Nam cho biết.

Tại xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, một số hộ dân đã dựng barie chặn đường công vụ (đường chuyên chở đất đá, vật liệu xây dựng phục vụ thi công đường cao tốc) do xả khói bụi, gây ô nhiễm môi trường.

Chủ đầu tư cũng méo mặt

Mặc dù đang vào giai đoạn chạy nước rút nhưng nhiều nơi trên công trường thi công đường cao tốc máy móc vẫn nằm im do chưa có mặt bằng hoặc bị người dân cản trở. Tại xã Hòa Nhơn (Hòa Vang), nhà thầu Cienco 5 đã phải cho chín hộ dân tạm ứng khoảng 425 triệu đồng để di dời nhằm có mặt bằng triển khai thi công sớm cho kịp tiến độ. Đại diện VEC cho biết đã gửi kiến nghị địa phương sớm phê duyệt phương án bồi thường chính thức để hoàn trả tiền cho nhà thầu.

Theo ông Nguyễn Việt Hòa, Giám đốc xây dựng gói thầu số 6 (Liên doanh nhà thầu Vinaconex - Tổng Công ty Thành An - Vinaconex EC), nhà thầu thi công liên tục bị thúc ép tiến độ trong khi mặt bằng lại chưa có. “Do vướng mặt bằng nên chúng tôi phải thi công kiểu “nhảy cóc”, đoạn nào sạch thì làm đoạn đó” - ông Hòa nói. Cũng theo ông Hòa, hiện hai xã Bình Quý và Bình Chánh (Thăng Bình) là nơi nhà thầu gặp khó khăn nhất do người dân thường xuyên cản trở thi công vì cho rằng giá bồi thường thấp.

Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo VEC phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành liên quan khẩn trương giải quyết dứt điểm khâu bồi thường, giải tỏa để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đặc biệt, phải sớm hoàn thành các khu tái định cư để người dân ổn định cuộc sống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm