Bồi thường đất nông nghiệp theo giá thị trường?

“Thành phố mong muốn được các địa phương chỉ ra những vướng mắc trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải quyết khiếu nại trong quá trình này” - ông Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nói tại hội nghị chuyên đề về một số vấn đề liên quan các dự án trên địa bàn TP được tổ chức vào ngày 20-8.

Bồi thường chỉ một phần ba

Theo ông Trí, bồi thường, tái định cư là chuyện mà “chính quyền căng thẳng, người dân bức xúc, doanh nghiệp lo lắng nhưng vì nhu cầu phát triển buộc phải đụng tới”.

Các đại biểu bàn thảo sôi nổi chung quanh quy định hiện hành: Khi bồi thường đất nông nghiệp phải lấy mục đích đang sử dụng là sản xuất nông nghiệp, không áp dụng mục đích sử dụng trong tương lai.

“Hiện giá tính bồi thường cho đất nông nghiệp cao nhất là 375.000 đồng/m2, quá thấp nên khó thuyết phục người dân. Cũng đất ấy, nếu để người dân sang nhượng thì cả triệu đồng/m2 nên họ cho rằng đó mới đích thực là giá thị trường. Khi thu hồi đất phải bồi thường theo giá này” - đại diện UBND huyện Củ Chi phản ánh.

Nhiều quận, huyện và đại diện Hội Nông dân TP đề xuất: Với dự án do tư nhân đầu tư vào mục đích kinh doanh, nên để doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận trên cơ sở giá thẩm định của nhà nước.

Bồi thường đất nông nghiệp theo giá thị trường? ảnh 1

Thu hồi đất thực hiện dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Phó Chủ tịch Lê Minh Trí cho rằng cần bàn sâu hơn về việc này. Ông nói: “Theo khung giá nhà nước, đất nông nghiệp ở một khu vực nào đó chừng 200.000 đồng/m2 nhưng người dân sẵn sàng bỏ ra cả triệu đồng để mua. Họ nghĩ mua để sau này xây nhà ở chứ không phải để làm nông nghiệp. Chỉ cần có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quyết định chấp thuận chủ trương là giá đất tăng ngay, dù đất này không có gì thay đổi”. Theo ông, nếu để doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận, thoạt nghe rất tốt nhưng lại phát sinh hệ quả: Chi phí bồi thường đội lên và dự án công ích sẽ khó thực hiện...

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài thông tin: Tại quận 2 đang thí điểm điều tiết lợi nhuận của chủ đầu tư bằng cách yêu cầu họ phải đóng góp tài chính cho cơ sở hạ tầng. Sắp tới, TP sẽ nghiên cứu thêm phương thức điều tiết lợi nhuận chủ đầu tư cho người bị thu hồi đất.

Chỉ cưỡng chế khi dự án làm đúng thủ tục

Với việc cưỡng chế khi dự án đã bồi thường hơn 80%, phần còn lại chủ đầu tư không thể thương lượng được, đại diện UBND quận Thủ Đức nói: “Nghị định 84 cho phép cưỡng chế nhưng trên thực tế, địa phương hơi… run tay. Đề nghị UBND TP có văn bản khẳng định để quận, huyện mạnh dạn hơn”.

Ông Nguyễn Thành Tài nói ngay: Phải xét thêm nhiều khía cạnh, nếu dự án làm đúng thủ tục, chủ đầu tư đã cố gắng hết sức thì phần còn lại không bồi thường được nhà nước can thiệp. Còn trường hợp chủ đầu tư tự “ôm bom”, không xin chủ trương mà đi thỏa thuận rồi không làm nổi thì không thể yêu cầu nhà nước cưỡng chế” - ông lưu ý. Ông Tài cũng nhắc nhở các quận, huyện phải chú ý thực hiện các thủ tục bồi thường, giải quyết khiếu nại theo đúng quy định, bởi nếu bị bắt giò là thua ngay.

Thực tế, ở quận Gò Vấp, với dự án đường nối Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài, để thực hiện nhanh dự án, quyết định bồi thường và bản chiết tính được thực hiện trước rồi mới ban hành quyết định thu hồi đất. “Làm như vậy là sai về pháp lý và sẽ bị thổi còi” - Sở TN&MT khẳng định.

Hội nghị có 52 câu hỏi của các địa phương và các sở, ngành đã giải đáp tại chỗ 33 câu hỏi, bằng văn bản 19 câu. “Những câu hỏi của các quận, huyện nếu đã được luật quy định sẽ được các sở, ngành liên quan tập hợp thành một cẩm nang hướng dẫn. UBND TP sẽ ký ban hành cẩm nang này để các địa phương thực hiện. Những vấn đề chưa gút được sẽ tiếp tục trao đổi tại các hội nghị chuyên sâu tiếp theo” - ông Nguyễn Thành Tài nói.

Không kiện đành chịu thiệt

Ông Nguyễn Đức Hòa - Thanh tra quận 6 kể: Ở quận 6 từng gặp trường hợp có hai căn nhà tình trạng pháp lý như nhau và đều không được bồi thường khi thu hồi đất. Sau đó một nhà đi kiện và thắng nên được bồi thường, còn nhà kia khi biết thông tin thì hết thời hiệu khởi kiện, khiếu nại cũng không xong. Quận giải quyết khiếu nại đúng quy định nhưng ai cũng áy náy.

CẨM TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm