Bộ trưởng BCA: Quy định chế độ tạm giữ, tạm giam chưa phù hợp thực tế

Chiều 23-5, các ĐB QH đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật tạm giữ, tạm giam.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, từ năm 1998 đến hết năm 2014, các trại tạm giam, nhà tạm giữ trên toàn quốc đã tiếp nhận và quản lý giam giữ 2.039.012 lượt người bị tạm giữ, tạm giam.

Hiện tại, toàn quốc có 83 trại tạm giam (trong Công an nhân dân có 70 trại tạm giam, trong Quân đội nhân dân có 13 trại tạm giam), 734 nhà tạm giữ (trong Công an nhân dân có 700 nhà tạm giữ, trong Quân đội nhân dân có 34 nhà tạm giữ) và 224 buồng tạm giữ thuộc các đồn biên phòng ở nơi biên giới, hải đảo xa trung tâm hành chính cấp huyện.

Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, quan điểm chỉ đạo xây dựng luật là: quán triệt và thể chế hoá chủ trương, quan điểm chỉ đạo Đảng, chính sách của Nhà nước về thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam. LÊ PHI

Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc: quy định về chế độ tạm giam, tạm giữ chưa cụ thể (đặc biệt là việc thăm gặp thân nhân, người bào chữa của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và việc thực hiện các quyền nhân thân của họ nếu không bị hạn chế bởi biện pháp tạm giữ, tạm giam, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tạm giữ, tạm giam…); chế độ ăn, mặc, ở, khám chữa bệnh đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam còn chưa phù hợp với điều kiện thực tế; chưa có quy định về chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đồng tính hoặc người có khiếm khuyết về giới tính”, Bộ trưởng cho hay.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng hiện chưa có quy định cụ thể về việc cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam mang quốc tịch nước ngoài tiếp xúc lãnh sự; việc quản lý người bị kết án tử hình gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ chế phù hợp; tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, còn chưa có sự thống nhất, gây khó khăn cho công tác quản lý, chỉ huy, chỉ đạo; điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính chưa đáp ứng yêu cầu thực tế nên hạn chế hiệu quả công tác quản lý giam giữ; đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng…

Báo cáo trước QH, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, quan điểm chỉ đạo xây dựng luật là: khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của công tác thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam hiện nay và trong những năm tiếp theo. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam; bảo đảm các quy định có tính khả thi. Tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam của một số nước phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm