Bó tay với chất tạo nạc trong chăn nuôi

Theo Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, năm nào cơ quan này kiểm tra cũng phát hiện trang trại nuôi heo sử dụng chất cấm tạo nạc salbutamol.

Chuyển hồ sơ cho công an xử lý

Ngày 11-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, cho biết việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại Đồng Nai thời gian gần đây diễn biến ngày càng phức tạp. Cụ thể, trong năm 2014, qua kiểm tra, tỉnh đã phát hiện 12/156 mẫu dương tính với chất salbutamol, tỉ lệ khoảng 7,7%. Tuy nhiên, trong sáu tháng năm 2015 phát hiện 17/84 mẫu dương tính, tỉ lệ trên 20%. “Nạn sử dụng chất cấm trong nuôi heo đã và đang làm thiệt hại rất lớn cho cả ngành chăn nuôi. Tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm” - ông Quang nói.

Theo ông Quang, trong sáu tháng đầu năm 2015, Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai đã tiến hành lấy mẫu hai đợt, tổng cộng là 84 mẫu thì phát hiện 17 mẫu nhiễm chất cấm salbutamol, tương đương với 17 trang trại dương tính với chất cấm salbutamol. Các trang trại nuôi heo dương tính với chất cấm tạo nạc salbutamol tại các huyện Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Trảng Bom, Long Thành và TP Biên Hòa. Đối với những trường hợp này thì theo quy định của Nghị định 119 và Thông tư 57, đều xử phạt vi phạm hành chính, giữ đàn heo và kiểm tra lấy mẫu cho đến khi nào hết chất cấm thì mới giải tỏa.

“Để xử lý tận gốc tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chúng tôi đã buộc các cơ sở nói trên phải giữ lại toàn bộ đàn heo cho đến khi kiểm tra không còn chất cấm mới cho bán ra thị trường. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tiến hành xử phạt hành chính mỗi cơ sở 15 triệu đồng” - ông Quang cho biết.

Cũng theo ông Quang: “Theo chỉ đạo của giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh thì toàn bộ hồ sơ vi phạm đều đã được chuyển qua cho Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Đồng Nai để họ điều tra, truy xuất nguồn gốc của chất salbutamol. Hiện cơ quan công an đang làm. Còn từ giờ đến cuối năm thì Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch và tiếp tục lấy 116 mẫu nữa, tương đương 116 trang trại trong toàn tỉnh để kiểm tra chất cấm”.

Trong khi đó một cán bộ điều tra cho biết sau khi nhận được các hồ sơ liên quan đến việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi do Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai chuyển qua, cơ quan điều tra công an tỉnh đã tập trung lực lượng để điều tra truy xuất nguồn gốc, điều tra truy tìm đường dây cung cấp và tiêu thụ chất cấm, xác định chất cấm này do ai cung cấp.

“Đến thời điểm này cơ quan công an đã mời tất cả đối tượng liên quan đến làm việc và lấy lời khai. Hiện chúng tôi vẫn đang khẩn trương điều tra và sắp tới sẽ có kết luận chính thức về vụ việc” - vị điều tra viên nói.

Có trường hợp vượt ngưỡng cho phép 500 lần

Ông Đậu Trọng Bằng, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, cho biết trước thực trạng việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai thời gian gần đây diễn biến ngày càng phức tạp, Sở NN&PTNT tỉnh chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra lấy mẫu nhằm tăng cường kiểm tra việc sử dụng chất cấm chăn nuôi cho Chi cục Thú y.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 27-8, đoàn thanh tra của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai kiểm tra đột xuất sáu trang trại nuôi heo tại phường Long Bình (TP Biên Hòa). Đoàn đã lấy sáu mẫu đi kiểm tra thì phát hiện ba mẫu dương tính với chất cấm tạo nạc salbutamol. Đặc biệt, có trường hợp trang trại của gia đình ông Đinh Văn Nhương vượt ngưỡng cho phép 500 lần. Theo một cán bộ trong đoàn kiểm tra, trong sáu trang trại tại phường Long Bình thì hầu hết chủ trang trại này đều mua heo lớn từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó đưa về vỗ béo bằng chất tạo nạc salbutamol trong vòng 20 đến 30 ngày rồi bán cho các thương lái nên rất nguy hiểm.

“Ngày 9-9, đoàn thanh tra của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai đã giao kết quả phân tích mẫu chất cấm trong chăn nuôi cho sáu hộ gia đình trên. Đồng thời tiếp tục tiến hành lấy mẫu nước tiểu và thức ăn chăn nuôi đột xuất của ba trang trại khác cũng nằm trên địa bàn phường Long Bình để gửi đi xét nghiệm” - ông Bằng nói. Ông cũng cho biết thêm trong thời gian tới sau phường Long Bình, đoàn thanh tra của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai tiến hành kiểm tra đột xuất một số nơi khác.

TS PHAN THẾ ĐỒNG, Phó Chủ tịch  Hội Dinh dưỡng TP.HCM:

Thịt heo “dính” chất cấm có màu nhạt

Bó tay với chất tạo nạc trong chăn nuôi ảnh 2
 
Bằng mắt thường khó phân biệt thịt heo có và không có chứa chất cấm thuộc nhóm β-agonist (chất tạo nạc). Tuy nhiên, quan sát kỹ sẽ thấy thịt heo không “dính” chất cấm đậm màu, thớ thịt săn chắc. Trong khi đó, heo được vỗ béo bằng thuốc tăng trọng có màu sáng, nhạt, nạc nhiều nhưng thớ thịt không săn chắc.

Ông PHAN XUÂN THẢO, Chi cục trưởng  Chi cục Thú y TP.HCM:

Đề xuất lấy mẫu thịt tươi kiểm tra tại chợ

Bó tay với chất tạo nạc trong chăn nuôi ảnh 3
 
Để ngăn chặn thực trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo, Chi cục Thú y TP.HCM đề xuất Bộ NN&PTNT quy định quy trình lấy mẫu thịt tươi kiểm tra chất cấm tại điểm kinh doanh, chợ, siêu thị…, kể cả biện pháp xử lý khi phát hiện mẫu thịt dương tính chất cấm. Chi cục cũng đề xuất Bộ NN&PTNT quy định hình thức xử lý các vựa gia súc, các điểm giết mổ heo lậu nếu kết quả xét nghiệm dương tính tồn dư chất cấm.

Đối với UBND TP.HCM, Chi cục Thú y TP kiến nghị hỗ trợ kinh phí xét nghiệm mẫu, chi phí thuê kho lạnh để bảo quản thịt trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm. Chi phí bồi thường nếu có xảy ra đối với các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với tồn dư chất cấm.

Ông KHƯƠNG TRẦN PHÚC NGUYÊN,  Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Thú y TP.HCM:

Bắt người nuôi đóng tiền phạt

Trước đây người chăn nuôi cho heo dùng chất cấm trước khi xuất chuồng hai tuần nên bề ngoài heo khác thường, bung đùi, bung vai rất dễ nhận ra. Sau này người chăn nuôi chỉ cho heo ăn chất cấm trước khi xuất chuồng một tuần nên nhìn vẫn bình thường, thương lái cũng khó nhận ra. Biết người chăn nuôi chơi “chiêu”, một vài thương lái buộc người chăn nuôi làm hợp đồng ràng buộc trách nhiệm. Hợp đồng nói rõ nếu cơ quan chức năng phát hiện heo của người chăn nuôi nào “dính” chất cấm thì người chăn nuôi đó phải đóng tiền phạt và chi phí xét nghiệm. Việc làm này ít nhiều cũng ngăn chặn thực trạng sử dụng chất cấm của người chăn nuôi.

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm