Bắt, bán cá con coi chừng bị phạt

“Mua đi chú ơi, cá lóc con (ròng ròng) tự nhiên ngon lắm, chỉ 20.000 đồng/100 g” - người phụ nữ bán cá gần chợ Thạnh Xuân (quận 12) đon đả mời. Nghe phóng viên lo ngại rằng việc đánh bắt, mua bán cá con tự nhiên có thể bị xử phạt, chị cười mỉm: “Chú nói giỡn chơi, tôi bán cá con đã bao nhiêu năm nay có sao đâu”.

Theo ghi nhận, những người bán cá con thường tập trung ở các chợ tự phát vùng ven TP. Điểm bán cá con lớn nhất nằm trên quốc lộ 22, gần chợ Tân Thông, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Ở đây có rất nhiều loại cá con như ròng ròng, cá rô bí, cá rễ tranh, lia thia với số lượng lên đến hàng trăm kg/ngày, giá bán trung bình 200.000 đồng/kg. “Cá được thu mua từ Long An và Tây Ninh. Đây là đặc sản, hơi đắt tiền nên chủ yếu bán cho khách đi đường từ TP lên Củ Chi chơi” - một người bán cá ở đây cho biết.

Bắt, bán cá con coi chừng bị phạt ảnh 1

Nhiều người không biết việc mình bán cá con tự nhiên có thể bị phạt tiền. Ảnh: ÁI NHÂN

Chợ trên đường Phạm Đăng Giảng (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) cũng là điểm bán cá con khá nổi tiếng. Một người bán cá ở đây cho biết cá con được mua mối từ tỉnh Long An. “Đây là cá tự nhiên, bắt từ ruộng nên rất ngon, giá 1 kg là 200.000 đồng” - người này nói. Hầu hết người bán cá con đều cho biết chưa hề bị nhắc nhở hay xử phạt do buôn bán loài cá này. Những người mua cá lại càng đinh ninh không có chuyện cấm đánh bắt, mua bán cá con.

Theo ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM, việc mua bán cá con tự nhiên như trên là vi phạm quy định về đánh bắt thủy hải sản. “Đối với cá nuôi thì được bán cá con. Song trên thực tế cá nuôi thường được bán dưới dạng cá giống vì giá cao hơn rất nhiều so với giá bán cá để ăn. Vì thế, có thể nhận định cá con bày bán ở chợ là cá tự nhiên” - ông Vĩnh nói. Tuy nhiên, theo ông Vĩnh, hầu hết người bắt cá con đem bán đều nghèo nên cần phải cân nhắc về việc xử phạt.

TS Nguyễn Tuần, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2, Bộ Thủy sản, cho biết: Thông tư 02/2006 của Bộ Thủy sản quy định rất rõ đối với từng loại cá khi phát triển đến kích cỡ nào thì mới được đánh bắt. Ví dụ, chiều dài ròng ròng tự nhiên phải đạt tới 220 mm, cá rô đồng phải trên 80 mm thì mới được bắt. Thông tư còn hướng dẫn cụ thể về thời gian cấm đánh bắt cá để tránh đánh bắt vào mùa cá sinh sản.

“Cần phải tuyên truyền cho người dân biết việc đánh bắt cá con là sai để hạn chế tình trạng lạm sát nguồn lợi thủy sản như hiện nay. Nếu ai cũng đua nhau đánh bắt cá con theo kiểu tận diệt thì đến một lúc nào đó nguồn cá tự nhiên sẽ không còn. Lúc này chính những người đánh bắt cá bị thiệt hại nhiều nhất vì mất kế sinh nhai” - TS Nguyễn Tuần nói.

Có thể bị phạt tới 10 triệu đồng

Nghị định 31/2010 quy định mức phạt đối với hành vi khai thác thủy sản nhỏ hơn kích thước cho phép như sau: Phạt 1-1,5 triệu đồng nếu khối lượng khai thác dưới 100 kg; 1,5-3 triệu đồng nếu từ 100 kg đến dưới 500 kg; 3-5 triệu đồng nếu từ 500 kg đến dưới 1.000 kg; 5-10 triệu đồng nếu khối lượng khai thác trên 1.000 kg.

Người thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh các loài thủy sản trong danh mục cấm khai thác (trong đó có cá con tự nhiên) bị phạt tiền 7-10 triệu đồng.

TRUNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm