Bảo tồn “văn hóa hẻm”: Cần nhiều biện pháp lớn

LTS: Những nét đẹp của “văn hóa hẻm” đã được Pháp Luật TP.HCMgiới thiệu trong hai số báo qua. Chúng tôi xin tiếp tục gửi đến bạn đọc bài viết của TS Nguyễn Hữu Nguyên với những phân tích đa chiều cùng biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục lưu giữ “văn hóa hẻm” trong thời buổi “kinh tế mặt tiền”. Qua đó, có thể khẳng định: Những giá trị tinh thần tốt đẹp đã tồn tại hàng trăm năm qua của “văn hóa hẻm” sẽ luôn được các thế hệ sau tìm cách gìn giữ, phát huy. Đây cũng là quan điểm xuyên suốt của chúng tôi khi thực hiện đề tài này.

Khi nói đến “phố hẻm, ngõ hẻm”, người ta nghĩ ngay đến những con đường chật hẹp, tối tăm. Còn khi nói đến “mặt tiền, phố lớn”, người ta lại nghĩ đến những cửa hàng sang trọng, rực rỡ ánh đèn màu. Phải chăng ngõ hẻm và phố lớn là hai môi trường xã hội khác nhau, tạo nên những lối sống khác nhau?

Phố lớn - hẻm nhỏ: Hai lối sống khác biệt

Thời nào cũng thế, sự phân hóa giàu nghèo ở đô thị diễn ra liên tục, biểu hiện trên nhiều mặt. Trong đó, rõ nhất là sự chuyển đổi vị trí cư trú và mức chênh lệch về diện tích nhà ở. Những người giàu lên thường chọn mua nhà mặt phố để kinh doanh, còn những người nghèo đi phải bán nhà mặt phố để mua nhà rẻ hơn trong hẻm.

Tuy vậy, sự chuyển dịch trên chỉ làm thay đổi một phần nhỏ số lượng cư dân trong các ngõ hẻm. Còn về cơ bản, những người sống trong hẻm thường xuất thân từ tầng lớp lao động nghèo, tìm đến với nhau, nương tựa nhau để mưu sinh. Nói cách khác, lối sống “lá lành đùm lá rách” của làng xã nông thôn vẫn được lưu giữ trong những ngõ hẻm đô thành. Lối sống ấy không chỉ là giá trị nhân văn cao quý, mà còn là yếu tố cơ bản để mỗi thành viên, mỗi gia đình tồn tại và hòa nhập với cộng đồng.

Sài Gòn xưa và TP.HCM ngày nay luôn là trung tâm thương mại lớn. Sự phân hóa giàu nghèo đã khiến TP này có hai hình thức kinh tế đặc thù mà các TP phương Tây hầu như không có. Đó là “kinh tế vỉa hè” của những người nghèo và “kinh tế mặt tiền” của những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bảo tồn “văn hóa hẻm”: Cần nhiều biện pháp lớn ảnh 1

Buổi sáng nhộn nhịp ở đầu một con hẻm xưa trên đường Trần Hòa, phường 10, quận 5. Ảnh: HTD

Như đã nêu, chủ nhân của “kinh tế vỉa hè” thường có lối sống “tắt lửa tối đèn có nhau”, nương tựa nhau để tồn tại, để mưu sinh. Trong khi đó, chủ nhân của “kinh tế mặt tiền” là những người suốt ngày bận rộn với việc mua bán, tiếp xúc với khách hàng. Thời gian ít ỏi còn lại họ phải chăm sóc con cái nên hầu như không còn thời gian và không có nhu cầu phải giao tiếp với hàng xóm. Họ đều là “lá lành” nên không phải “đùm bọc” lẫn nhau, mà ngược lại còn phải cạnh tranh với nhau rất quyết liệt trên thương trường.

Nâng cao dân trí cư dân hẻm

Ngõ hẻm và phố lớn là hai hình thức cư trú đã cùng tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử của Sài Gòn-TP.HCM. Hai môi trường ấy đã tạo ra hai lối sống khác nhau nhưng không thể tách rời hoặc loại bỏ lẫn nhau. Vì vậy cần có cách nhìn khách quan từ cả hai phía.

Với cư dân mặt tiền phố lớn, nếu chỉ nhìn bề ngoài thì cách sống của họ mang dáng vẻ thực dụng, lạnh lùng. Tuy nhiên, đa phần họ không phải đã đánh mất những giá trị nhân văn trong cuộc sống, mà chỉ thể hiện những giá trị đó dưới hình thức khác. Rất nhiều doanh nhân thành đạt đã thể hiện “văn hóa doanh nghiệp” bằng cách tham gia các chương trình từ thiện xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho những lao động nghèo… Ở đây, tính cộng đồng của “phố lớn” được biểu hiện gián tiếp trên lĩnh vực kinh tế.

Trong khi đó, nếu nhìn từ góc độ lối sống cộng đồng, ở các ngõ hẻm luôn có những giá trị văn hóa, truyền thống rất quý báu. Nhưng mô hình cư trú này đôi khi lại nảy sinh nhiều thách thức về tính hiện đại của hạ tầng đô thị và tính công bằng xã hội. Cụ thể, cư dân trong các ngõ hẻm thường chịu thiệt thòi nhiều mặt, rõ nhất là hạ tầng giao thông thấp kém. Những con hẻm quanh co, thiếu ánh đèn cũng thường là môi trường thích hợp cho tệ nạn xã hội tồn tại.

Trong quá trình chỉnh trang đô thị, chúng ta cần áp dụng nhiều biện pháp lớn để hạn chế những tiêu cực kể trên. Cụ thể, phải cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cư dân ngõ hẻm bằng những chương trình xóa đói, giảm nghèo, dạy nghề và giải quyết việc làm; nâng cao dân trí bằng các chương trình khuyến học, hỗ trợ học bổng cho các học sinh nghèo, mở các lớp học bổ túc văn hóa ban đêm. Mặt khác, cần cải thiện, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật những đoạn hẻm có thể cải tạo được; nghiên cứu, chế tạo các phương tiện cứu thương, cứu hỏa mini có thể vận hành trong các con hẻm nhỏ…

Các biện pháp kể trên sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân hẻm. Đó chính là yếu tố cơ bản để chúng ta có thể lưu giữ, phát huy những nét tinh túy của “văn hóa hẻm” trong thời đại hiện nay.

Từ thế kỷ XVII, lưu dân người Việt đi mở đất bắt đầu hình thành những xóm nhỏ, cư dân ban đầu đa phần là người đồng hương. Các xóm này sau đó dần biến thành những “xóm thợ” dưới thời Pháp thuộc. Dấu tích của những xóm này là những khu phố, ngõ hẻm xưa còn tồn tại rải rác nhiều nơi ở TP. Dù trong hoàn cảnh nào, cư dân của những khu phố hẻm vẫn là những người lao động nghèo, có thu nhập thấp hơn những người có nhà ở đường phố lớn.

Nhiều thế hệ trong gia đình tôi đã sinh ra và lớn lên trong các con hẻm nhỏ ở Sài Gòn. Đối với chúng tôi, hẻm là nơi lưu giữ rất nhiều ký ức của các thế hệ bà con, anh em, hàng xóm láng giềng. Văn hóa của nhiều người sống trong hẻm cũng phần nào được hình thành từ những không gian giao tiếp đặc biệt này. Làm sao để các con hẻm cũ ngày càng văn minh, sạch đẹp hơn là điều rất cần thiết. Nhưng tôi chỉ mong nếu chính quyền có chỉnh trang đô thị thì phải thật cẩn thận để tránh biến những con hẻm hiền hòa trở nên xa cách và khô khan khiến người dân khó giao tiếp, qua lại với nhau như trước đây.

Anh LÊ THANH HẢI, hẻm 861, phường Tân Hưng, quận 7, TP.HCM

VIỆT HOA ghi

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm