Ba kiến nghị về việc thu phí xe

Theo Bộ GTVT, việc thu phí hạn chế phương tiện cá nhân là một giải pháp đột phá nhằm kéo giảm ùn tắc, TNGT và có thêm nguồn kinh phí để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, có những vấn đề cần lưu ý:

Thứ nhất, muốn giải quyết ùn tắc và TNGT phải cần đến hàng loạt giải pháp đồng bộ, liên quan đến điều tiết cung-cầu về phương tiện giao thông và nhu cầu đi lại, khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, sự phát triển của giao thông công cộng. Còn để tăng nguồn thu ngân sách cho đầu tư phát triển giao thông thì phải tính toán kỹ nhiều vấn đề như mức phí bao nhiêu, cách thu như thế nào, thu những loại phương tiện nào… Đặc biệt, cần xem xét lại toàn bộ các loại phí, thuế đang thu trên đầu một phương tiện để từ đó có giải pháp hợp lý, sát với thực tế nhằm tạo đồng thuận xã hội cao.

Thứ hai, không nên thu phí hạn chế xe máy, với các lý do sau đây:

- Xe máy đang là phương tiện đi lại thuận lợi nhất của đại đa số người dân, trong bối cảnh phương tiện công cộng không đáp ứng nhu cầu thực tế. Việc sử dụng xe máy, kể cả vào giờ cao điểm, là do nhu cầu đi lại tất yếu của người lao động.

- Thu phí xe máy là trực tiếp làm giảm thu nhập của đa số người dân có thu nhập trung bình và thấp, ngược với xu hướng Nhà nước đang tìm cách giảm gánh nặng thuế thu nhập cho người dân và hỗ trợ an sinh xã hội.

- Việc thực hiện thu phí xe máy sẽ khó khả thi, công bằng và triệt để, kể cả khi huy động chính quyền xã, phường vào cuộc.

Ba kiến nghị về việc thu phí xe ảnh 1

Theo TS Nguyễn Minh Phong, không nên thu phí hạn chế xe máy vì các phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế đi lại của người dân. Ảnh: HTD

Thứ ba, Pháp lệnh Phí và lệ phí quy định hiện có 13 loại phí nhưng không có phí hạn chế phương tiện cá nhân. Do đó, muốn bổ sung một loại phí nào thì phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và quyết định. Đồng thời, theo quy định thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành danh mục thu phí, còn mức thu bao nhiêu do Chính phủ (hoặc ủy quyền cho Bộ Tài chính) quy định. Nghị quyết của Quốc hội trong phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần thứ hai vừa qua mới chỉ nói đến trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương phải giảm được TNGT xuống 5%-10% trong năm 2012. Hiện Quốc hội chưa quyết định chính thức việc có hay không thu phí hạn chế phương tiện cá nhân.

Hơn nữa, hiện một phương tiện đã phải đóng khá nhiều loại phí (Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết mỗi xe ô tô đang phải chịu tám loại phí). Vì vậy, để tăng nguồn vốn cho đầu tư phát triển giao thông, chỉ nên tăng mức thu phí trước bạ và phí đăng ký biển số lần đầu đối với xe máy. Với ô tô thì tăng mức thu đối với các khoản thu hiện hành. Mức thu có thể điều chỉnh tăng tỉ lệ thuận đối với dung tích phân khối, diện tích chiếm chỗ giao thông. Điều này giúp công tác thu ngân sách Nhà nước trở nên tiết kiệm, hiệu quả và tập trung nguồn thu hơn; đồng thời giảm bớt các thủ tục pháp lý phức tạp, ngăn chặn tình trạng thất thu.

* * *

Tóm lại, chỉ cần điều chỉnh mức thu các loại phí, thuế hiện hành đối với phương tiện giao thông là đủ để góp phần tăng nguồn thu ngân sách, tạo động lực thu hút đầu tư và vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng mà không cần phải có thêm một loại phí mới. Còn nếu Bộ GTVT vẫn bảo lưu ý kiến thu phí hạn chế phương tiện cá nhân thì cần có đề án chính thức với sự tham gia của các bộ, địa phương chủ yếu có liên quan. Đề án này phải được sự góp ý, phản biện xã hội dân chủ, rộng rãi trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Nộp 50 triệu đồng để được hưởng dịch vụ gì?

Đó là câu hỏi được đặt ra về phí hạn chế phương tiện cá nhân tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2012 của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ngày 23-3. Theo nhiều đại biểu, việc yêu cầu chủ phương tiện phải nộp phí 20-50 triệu đồng trong khi lại không được cung cấp dịch vụ gì là không hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, nêu ý kiến: “Hiện các doanh nghiệp, HTX vận tải ô tô đang phải nộp rất nhiều loại thuế và phí. Điều này khiến năng lực của ngành vận tải ô tô ngày càng giảm sút. Nhiều doanh nghiệp không dám đầu tư thêm xe, thậm chí có doanh nghiệp phải bán xe hoặc chỉ chạy cầm chừng. Nếu tới đây doanh nghiệp phải đóng thêm phí hạn chế xe cá nhân thì giá cước vận tải, nhất là taxi sẽ tăng cao, tác động không tốt tới an sinh xã hội”. Ông Thanh đề xuất khi đã thực hiện thu phí bảo trì đường bộ thì Bộ GTVT phải kiến nghị các cơ quan chức năng bỏ ngay phí thu qua xăng dầu. Đồng thời, không thu phí hạn chế phương tiện cá nhân vì sẽ là quá sức đối với người dân và doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Bộ GTVT muốn thu phí để hạn chế xe cá nhân, vậy thế nào là xe cá nhân. Chẳng lẽ cứ xe từ chín chỗ ngồi trở xuống là xe cá nhân hay sao? “Quan niệm như vậy là sai vì xe taxi, xe của các doanh nghiệp, của các trường đào tạo lái xe đâu hẳn là xe cá nhân. Các đơn vị này khi hoạt động đã phải đóng các loại thuế rồi, giờ chẳng lẽ chỉ vì có xe để đi giao dịch, buôn bán mà lại phải đóng thêm 20-50 triệu đồng nữa? Thế thì họ làm sao gánh nổi” - ông Hùng nói.

THÀNH VĂN

TS NGUYỄN MINH PHONG, Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm