Xử lý rác thải theo công nghệ trong nước

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh việc thí điểm xây dựng các nhà máy, tìm mô hình tối ưu để sớm phê duyệt chương trình tổng thể về xử lý rác trên địa bàn cả nước.

Ưu tiên công nghệ "nội"

Xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt đang là vấn đề bức xúc đối với các địa phương trong cả nước, đặc biệt ở các đô thị, khu công nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại tất cả địa phương đều sử dụng biện pháp chôn lấp chất thải với số lượng trung bình một bãi chôn lấp ở một đô thị, trong đó có tới 85%-90% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao bởi mùi và nước rỉ rác.

Cho đến nay, ngoài biện pháp chôn lấp, chỉ có một số ít địa phương đã và đang xây dựng các nhà máy xử lý rác thải nhưng phần lớn sử dụng công nghệ nước ngoài, chưa phù hợp với đặc điểm rác không được phân loại tại nguồn ở Việt Nam nên mới chỉ xử lý được chất hữu cơ. Tỷ lệ rác phải tiếp tục chôn lấp vẫn còn lớn và suất đầu tư cao. Hiện nay, công nghệ được nghiên cứu trong nước về xử lý rác như ANSINH-ASC, SERAPHIN, MBT-CD.08 mới được triển khai với hai dự án ở TP Sơn Tây (Hà Nội) và TP Huế (Thừa Thiên-Huế).

Để tạo điều kiện hoàn thiện và triển khai, áp dụng các công nghệ xử lý rác thải hiện đại, phù hợp và đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai thí điểm xây dựng các nhà máy xử lý rác áp dụng công nghệ mở. Bên cạnh đó, đánh giá các dự án hiện đang triển khai, đề xuất kiến nghị để các dự án hoạt động hiệu quả. Các dự án mới này sẽ được nghiên cứu, lựa chọn thí điểm từ mô hình, công nghệ đến các cơ chế tài chính, đất đai, cơ cấu vốn, tiêu thụ sản phẩm đầu ra..., từ đó tìm ra mô hình phù hợp để Chính phủ phê duyệt chương trình tổng thể về xử lý rác trên địa bàn cả nước.

Hiện tại, cả nước có trên 700 đô thị (từ loại V trở lên) và số lượng nhà máy xử lý rác cần đầu tư trong năm năm tới khoảng hơn 60 nhà máy. Tổng vốn đầu tư của chương trình xây dựng, vận hành những nhà máy xử lý rác khoảng 5.250 tỷ đồng.

Chỉ có trên 15% bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh

Cũng mới đây, tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cảnh báo trong số 91 bãi rác lớn trên cả nước chỉ có 17 bãi hợp vệ sinh, chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 15,5%.

Trong khi đó, theo ông Liêm, hàng năm Việt Nam thải ra hơn 15 triệu tấn rác, trong đó rác sinh hoạt đô thị và nông thôn khoảng 12,8 triệu tấn; rác công nghiệp khoảng 2,7 triệu tấn. Lượng rác thải y tế được xác định khoảng 21.000 tấn, các chất thải độc hại trong công nghiệp là 130.000 tấn và trong nông nghiệp khoảng 45.000 tấn. Đến nay, phương pháp xử lý rác thải chủ yếu vẫn là chôn lấp.

Trong 10 năm trở lại đây, việc quản lý rác thải đạt được nhiều tiến bộ trong thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý và chôn lấp trong khu vực đô thị. Tuy nhiên, tại khu vực nông thôn lại không có chuyển biến, nhất là tại 1.450 làng nghề. Dự kiến đến năm 2010, lượng rác thải hàng năm sẽ đạt tới 23 triệu tấn và tỷ lệ rác độc hại sẽ tiếp tục gia tăng.

Bộ Xây dựng cho biết để đáp ứng nhu cầu quản lý chất thải rắn trong giai đoạn phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bộ đã lập đề án tổng thể quản lý chất thải rắn cho các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020.

Đề án đã đề xuất giải pháp định hướng và chương trình hành động quản lý chất thải rắn một cách tổng hợp, toàn diện và thống nhất để làm cơ sở cho việc quản lý của ngành; góp phần định hướng đúng các bước đi của công tác quản lý chất thải rắn từng giai đoạn.

NG.MẪN tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm