ThS-BS Đào Thị Yến Phi: Sức khỏe tốt bắt đầu từ dinh dưỡng

Ngoài công việc chính là giảng dạy tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và điều trị lâm sàng ở khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 2, chị còn là cộng tác viên thân thiết của các báo, đài trên cả nước với nhiều bài viết và chương trình tư vấn sức khỏe. Bên cạnh đó, chị còn tham gia các nghiên cứu và đang tiếp tục học thêm về dinh dưỡng.

. Chị làm thế nào để có thể đảm đương cùng một lúc nhiều việc như vậy?

ThS-BS Đào Thị Yến Phi: Sức khỏe tốt bắt đầu từ dinh dưỡng ảnh 1+ Tôi cũng chỉ có 24 giờ mỗi ngày nên để có thể làm được nhiều việc hơn trong một khoảng thời gian giới hạn, cách tốt nhất vẫn là sắp xếp thời khóa biểu trong ngày hợp lý, khoa học và có kế hoạch làm việc thật cụ thể cũng như cần tập trung tối đa vào công việc để hoàn thành nó sớm nhất. Một thuận lợi nữa là trời sinh ra tôi vốn... ít ngủ nên tôi có nhiều thời gian thức hơn để sống và để học. Ngoài ra, phải cám ơn sự thông cảm và hỗ trợ của người bạn đời nữa.

. Không chỉ viết về dinh dưỡng và nhi khoa, chị còn có thể viết truyện, làm thơ, vẽ tranh và chơi nhiều loại nhạc cụ khác nhau (piano, guitar, đàn tranh...). Có mâu thuẫn gì không giữa một nhà khoa học - bác sĩ Yến Phi và một Yến Phi “nghệ sĩ” đa tài như vậy?

+ Tôi nghĩ mọi người làm khoa học đều có sự lãng mạn trong tâm hồn, nhất là trong y khoa. Chúng tôi làm việc với con người nên không thể làm việc chỉ với thể xác của bệnh nhân mà còn phải tiếp xúc với tâm hồn của họ. Có điều mỗi người có một năng khiếu riêng và các cách riêng để thể hiện tâm hồn mình. Tôi có chút năng khiếu về thơ, văn, nhạc, họa từ bé nên dễ dàng thể hiện tâm hồn mình một cách rõ ràng hơn. Sống với cái góc nghệ thuật nho nhỏ đó cũng là cách cân bằng cuộc sống bận rộn của tôi.

. Đã bước sang tuổi 42 nhưng trông chị vẫn còn rất trẻ. Bí quyết để luôn trẻ trung của chị là gì?

+ Trong cuộc sống có rất nhiều chuyện có thể đạt được nếu chúng ta cố gắng, trừ chuyện già đi theo thời gian. Điều duy nhất có thể làm trong chuyện này là làm bất cứ điều gì có thể và đừng quá bi quan. Tôi không thể bắt thời gian dừng lại nhưng luôn cố gắng làm khá nhiều việc khác. Ví dụ như hài lòng với công việc của mình, yêu thích sự đa dạng và khám phá những điều mới trong cuộc sống, năng động và lạc quan nhất có thể.

Một cuộc sống cân bằng giữa công việc, thời gian cho gia đình, cho chính mình và cho những thú vui của mình như nghe nhạc, đánh đàn... cũng giúp giảm stress. Ngoài ra, cũng cần lưu ý giữ gìn vóc dáng bằng việc tập luyện thể dục đều đặn hàng ngày và một chế độ dinh dưỡng phù hợp. Cụ thể, bớt ăn chất bột, giảm ăn thịt, ăn nhiều cá và rau trái tươi; mỗi tháng ăn thanh đạm vài ngày, uống nhiều nước, uống sữa tươi và sữa đậu nành. Trang điểm và chọn lựa trang phục thích hợp cũng là điều cần thiết. Đặc biệt, đừng nghĩ mình già! Khi lớn tuổi hơn người ta chín chắn hơn, nhiều kinh nghiệm hơn và điều này làm cho sự năng động và nhiệt tình trở nên hữu hiệu hơn.

. Là một bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng và cũng là một phụ nữ biết quan tâm đến sức khỏe và sắc đẹp, chị nghĩ thế nào về tầm quan trọng của thức ăn và chế độ dinh dưỡng?

+ Ăn uống hợp lý là điều rất cần thiết để giữ gìn sức khỏe. Quan trọng hơn nữa là phải tập luyện cho mình một thói quen dinh dưỡng tốt. Chúng ta thường ăn uống theo thói quen nhiều hơn là theo kiến thức. Hiểu được giá trị dinh dưỡng của thực phẩm sẽ giúp chúng ta ý thức hơn khi ăn uống. Không phải tự nhiên mà các bác sĩ dinh dưỡng luôn khuyên chúng ta nên giảm thức ăn nhiều béo, nhiều đường, tránh ăn nhiều loại bột, tăng các loại trái cây tươi và rau xanh, uống thêm sữa đậu nành...

Chẳng hạn với đậu nành, nhiều nghiên cứu đã cho thấy đây là loại thực phẩm nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp giảm nguy cơ các bệnh lý tim mạch, béo phì và các bệnh cao huyết áp, tiểu đường. Đậu nành còn chứa isoflavone nên chống lão hóa và duy trì tuổi xuân. Quan tâm tìm hiểu và thay đổi thói quen dinh dưỡng. Bổ sung sữa đậu nành vào chế độ ăn uống hàng ngày có thể làm thay đổi tích cực đối với sức khỏe.

Một lưu ý nhỏ, cũng là “bệnh nghề nghiệp”, đó là chúng ta chỉ nên uống các loại sữa đậu nành đóng gói, có thương hiệu. Sữa đậu nành nấu thủ công và bán rong ngoài đường thường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Môi trường ẩm, ấm và giàu dinh dưỡng của sữa đậu nành sẽ khá lý tưởng cho các vi khuẩn có hại sinh sôi. Dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe nhưng thức ăn dinh dưỡng cũng cần phải đảm bảo vệ sinh, nếu không sẽ là “lợi bất cập hại”.

Công nghệ tiệt trùng UHT (Ultra High Temperature) cho phép xử lý sản phẩm đậu nành ở nhiệt độ cao (138-140 độ C) trong khoảng năm giây, sau đó làm lạnh nhanh chóng giúp giữ lại tối đa hương vị và giá trị dinh dưỡng của sản phẩm. Bao bì giấy tiệt trùng được tạo thành từ các lớp nguyên liệu đa dạng, kết hợp các đặc tính tốt nhất của giấy, nhôm và nhựa giúp sữa đậu nành không bị ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài (ánh sáng, độ ẩm, quá trình ôxy hóa...). Sữa đậu nành xử lý theo công nghệ tiệt trùng và đóng gói trong bao bì giấy nên vẫn tươi ngon trong thời gian dài mà không cần đến bất kỳ chất bảo quản nào.

NSĐT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm