Tấm lợp sản xuất từ vỏ hộp sữa giấy

Vỏ hộp sữa giấy được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp sữa nước, sữa đậu nành, nước trái cây... Chúng gồm sáu lớp, thành phần chính gồm giấy và một phần nhỏ là nhôm, nhựa. Trước đây, vỏ hộp sữa sau khi sử dụng chỉ được các nhà máy tái chế để thu hồi bột giấy. Tuy nhiên, với công nghệ hiện đại, chúng ta có thể sử dụng lại nhôm, nhựa để tạo ra sản phẩm có giá trị cao.

Công nghệ sản xuất tấm lợp

Ở Việt Nam, đa phần các công trình đều sử dụng mái lợp bằng xi măng, tôn, kẽm. Tuy nhiên, chúng ta có thể nghĩ tới việc dùng mái lợp làm bằng nhôm, nhựa tái chế. Tất cả nguyên liệu này đều được lấy từ hộp sữa giấy. Theo đó, phần nhôm và nylon tách ra sẽ được xử lý bởi dây chuyền máy ép nhiệt. Sau quá trình đánh, rửa, nhôm, nhựa tách ra sẽ được làm sạch tạp chất một lần nữa trước khi chuyển qua băng tải đến lồng sấy. Tại đây, chúng được sấy khô đến khi độ ẩm còn 8%. Sau đó nguyên vật liệu được đưa vào máy băm nhỏ trước khi cho vào ép nhiệt ở nhiệt độ 150oC; lực ép là 80 tấn/m2 trong thời gian 8 phút thành các miếng mỏng dày 6 mm. Để giúp mái lợp đồng đều về trọng lượng, nguyên liệu được chia thành từng túi 16 kg. Ngay sau khi rời máy ép nóng, các miếng mái lợp chuyển qua máy ép tạo sóng, ép nguội để định hình sản phẩm. Cuối cùng là công đoạn cắt theo đúng kích thước, kiểm tra thành phẩm trước khi xuất xưởng. Mỗi mái lợp hoàn chỉnh sẽ nặng khoảng 14-15 kg; kích thước 1.055 x 2.200 x 6 (mm).

Tấm lợp sản xuất từ vỏ hộp sữa giấy ảnh 1

Thử nghiệm cho thấy tấm lợp tái chế có khả năng chịu lực cao. Ảnh: NGỌC CHÂU

Tính ưu việt của mái lợp tái chế

Do làm hoàn toàn 100% từ nhôm, nhựa nên mái lợp làm từ vỏ hộp sữa có nhiều ưu điểm so với các loại khác như độ bền cơ lý cao; đốt không cháy; xe chạy qua không bể vỡ; chịu được môi trường mang độ ẩm và nóng cao. Đồng thời, mái lợp tái chế có độ cách nhiệt tốt vì tác dụng của nhôm có phản quang; khả năng cách âm hữu hiệu; ít bị lão hóa trong môi trường khắc nghiệt. Mái lợp này thích hợp sử dụng lợp nhà xưởng có môi trường ẩm ướt, nóng và độ acid cao như ngành xeo giấy, lò hơi, các chuồng trại chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gà.

Vỏ hộp sữa giấy ngày nay có thể được tái chế hoàn toàn. Tuy nhiên, việc thu gom không dễ dàng vì chúng thường nằm lẫn với rác sinh hoạt tại các khu dân cư. Mặt khác, các vựa và những người thu mua vẫn ngần ngại vì giá thấp (hiện tại Đồng Tiến thu mua với giá 2.500 đồng/kg). Hơn nữa, người tiêu dùng vẫn chưa quen với việc phân loại rác tại nguồn. Do vậy, để công tác tái chế rác thải tiến xa hơn, kinh tế thì chúng ta cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Trong đó ý thức người dân là vấn đề quan trọng. Rác là tiền nếu chúng ta biết tận dụng, tái chế, nếu vứt bỏ thì đó là một sự lãng phí rất lớn.

Công ty Giấy và Bao bì Đồng Tiến vừa đưa vào hoạt động dây chuyền tái chế vỏ hộp sữa giấy. Đây là kết quả nghiên cứu hợp tác với Tetra Pak Việt Nam. Công suất của dây chuyền tái chế vỏ hộp sữa là 50 tấn/ngày; mái lợp là 500 tấm/ngày. Ông Bert Jan Post, Giám đốc Tetra Pak Việt Nam, cho biết mỗi tháng nhà máy có thể tái chế 1.250 tấn vỏ hộp sữa thành các sản phẩm có ích, góp phần không nhỏ vào bảo vệ môi trường, tạo thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay Đồng Tiến chỉ thu gom được 2-4 tấn vỏ hộp/ngày, thấp hơn nhiều so với công suất thiết kế. Lượng hộp thu gom trong một tháng chỉ mới đủ làm nguyên liệu sản xuất trong hai ngày. Để tăng cường công tác thu gom, Đồng Tiến và Tetra Pak đã có được tám trạm thu mua trên cả nước. Dự kiến trong thời gian tới, số lượng trạm sẽ được tăng cường hơn nữa.

NGỌC CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm