Khu “đô thị” cho người đã khuất

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây mức độ đô thị hóa rất nhanh, các dự án khu dân cư, đô thị mới hình thành nhanh chóng nhưng chúng ta lại ít quan tâm đến việc quy hoạch những khu đô thị cho người đã khuất trong đó vừa đảm bảo yếu tố cảnh quan đô thị, an toàn về môi trường, vừa gắn kết bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa tâm linh.

Mô hình mới công viên kết hợp nghĩa trang

TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương là các đô thị lớn của vùng Đông Nam Bộ với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, theo đó việc đô thị hóa các khu vực vùng ven cũng diễn ra nhanh chóng. Đất chật, người đông dẫn đến nhu cầu về nhà ở tăng cao và đi kèm với nó là tình trạng thiếu đất hương hỏa cho người đã khuất. Các nghĩa trang hiện hữu đa số hình thành tự phát, nằm xen kẽ với nhà chùa, giáo xứ, nhà riêng, đất nông nghiệp, đe dọa đến môi trường sống của người dân và làm mất mỹ quan đô thị. Chính vì vậy ngoài quyết định di dời, đóng cửa một số nghĩa trang hiện hữu, theo quy hoạch vùng TP.HCM đến 2020 và tầm nhìn đến 2050, Chính phủ đã định hướng xây dựng các nghĩa trang tập trung theo mô hình hiện đại với quy mô từ 200 đến 300 ha khu vực xung quanh TP.HCM nhằm giải quyết nhu cầu bức thiết của người dân, đồng thời đảm bảo yếu tố cảnh quan và môi trường đô thị.

Khu “đô thị” cho người đã khuất ảnh 1

Phối cảnh một góc An Viên Vĩnh Hằng thuộc dự án công viên nghĩa trang ở Vĩnh Cửu, Đồng Nai.

Tại Đồng Nai, An Viên Vĩnh Hằng là dự án công viên nghĩa trang được quy hoạch theo mô hình công viên kết hợp nghĩa trang có quy mô 316 ha. Trong đó giai đoạn một là 116 ha tọa lạc tại huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai do Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đồng Nai (DonaCoop) làm chủ đầu tư. An Viên Vĩnh Hằng được đánh giá là công viên nghĩa trang hiện đại nhất Việt Nam do có quy hoạch hiện đại, đồng bộ, vị trí, địa hình đẹp tạo nên một vị thế phong thủy, thân thiện với môi trường sinh thái, mang sắc thái tâm linh đặc trưng của người Việt kết hợp dịch vụ phong phú, đa dạng chất lượng cao. Vượt lên trên giá trị cảnh quan và quy hoạch, An Viên Vĩnh Hằng còn được kỳ vọng gìn giữ nếp văn hóa Việt, mang lại giá trị nhân văn sâu sắc.

Điểm đến văn hóa, lịch sử và tâm linh

An Viên Vĩnh Hằng được thiết kế cho nhiều đối tượng khác nhau hình thành nên hệ thống các công trình phong phú và đa dạng đồng thời tôn vinh nét đẹp văn hóa từ tín ngưỡng thờ cúng gia tiên đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Nổi bật nhất là đền thờ Liệt tổ tri ân điện, nơi thờ phụng các vua Hùng, các vị danh nhân tiêu biểu lịch sử dân tộc qua từng thời kỳ. Bên cạnh đó là Đền thờ anh hùng liệt sĩ Đông Nam Bộ để tưởng nhớ công ơn to lớn của đồng bào, chiến sĩ trên vùng đất đỏ miền Đông đã anh dũng chiến đấu, kiên cường gìn giữ, bảo vệ căn cứ địa cách mạng trong cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước.

Đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh, người có công lớn trong việc mở mang bờ cõi về phía Nam, được nhân dân Nam Bộ hết lòng tôn kính. Đặc biệt, lần đầu tiên, khu Đền thờ trăm họ đã hiện thực hóa ý thức hệ về gia phả, dòng tộc với sự quy tụ của hàng trăm nhà thờ họ dành riêng cho các dòng họ đang sinh sống tại miền Nam cũng như các dòng họ miền Trung, miền Bắc di cư vào Nam từ bao đời nay. Bên cạnh đó còn có khu vực cho các cộng đồng tôn giáo như Công giáo và Phật giáo, khu vực dành cho cán bộ lão thành cách mạng, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình, dòng tộc…

Có thể nói An Viên Vĩnh Hằng góp phần tôn vinh những giá trị cao đẹp của gia đình và truyền thống dân tộc, là điểm hẹn về văn hóa, lịch sử và tâm linh cho nhiều hế hệ con cháu mãi về sau.

Thay đổi nhận thức về nghĩa trang

Ông Trương Công Thắng, đại diện chủ đầu tư dự án An Viên Vĩnh Hằng, cho biết đã đầu tư rất nhiều công sức trong việc tìm kiếm, nghiên cứu, học hỏi và vận dụng linh hoạt kinh nghiệm từ mô hình công viên nghĩa trang của các nước phù hợp với văn hóa Việt Nam. Dự án áp dụng các công nghệ mới nhằm đảm bảo yếu tố an toàn về môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên. “Chúng tôi đã tham quan, nghiên cứu, học hỏi các công viên nghĩa trang lớn nhất tại các nước trong khu vực như Nirvana, NiLai của Malaysia… đồng thời nhờ sự tham vấn của các chuyên gia hàng đầu thế giới... Chúng tôi mong muốn sẽ xây dựng một mô hình công viên nghĩa trang mẫu mực không chỉ ở tầm vóc quốc gia mà còn có thể ngang tầm với các nước châu Á” - ông Thắng nói.

Tại An Viên Vĩnh hằng, các khu vực cảnh quan được đặc biệt quan tâm, các khu vườn với sắc thái đa dạng, quảng trường lớn, hồ nước sinh thái, khu công viên, dịch vụ ven sông… Một không gian nhẹ nhàng, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, nhiều diện tích công cộng và dịch vụ tiện lợi… tạo cảm giác ấm cúng, thân thiện.

Trong chuyến đến thăm thực địa, tìm hiểu những công trình kiến trúc, văn hóa tại đây, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Qua những công trình mang nét văn hóa, lịch sử và tâm linh này sẽ có tác dụng rất tốt trong việc giáo dục con người về đạo lý đối với tổ tiên, về trách nhiệm đối với xã hội, giữ gìn được văn hóa của người Việt…”.

Một khi dự án đi vào hoạt động không chỉ phục vụ cho người quá cố, mà còn tạo ra cảnh quan văn minh, hiện đại và sạch đẹp, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư và dự kiến thi công đưa vào sử dụng giai đoạn một vào cuối năm 2011.

MINH TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm