Khỏe khi đi du lịch

Theo bác sĩ Dương, những bệnh trẻ hay gặp khi đi du lịch trước hết là bệnh về đường tiêu hóa, bệnh về đường hô hấp, cảm nhiệt (say nắng), dị ứng. Ngoài ra cũng có thể gặp những tai nạn đáng tiếc khi đi du lịch.

Bệnh về đường tiêu hóa

Khi đi du lịch, bạn luôn phải coi trọng vấn đề ăn uống. Đến một điểm du lịch, có thể bạn chưa quen nước ở đó ngay, hãy súc miệng với nước muối nhạt hoặc nước súc miệng.

Khi ăn uống ở cửa hàng, không nên dùng nước đá, ăn rau sống, ăn nhiều loại trái cây khác nhau trong cùng thời điểm. Không ăn các thức ăn tái, gỏi, hạn chế ăn các loại hải sản, đặc biệt là trẻ nhỏ vì bụng trẻ thường yếu, việc tiêu hóa sẽ rất khó khăn.

Khỏe khi đi du lịch ảnh 1

Không nên cho bé ăn quà vặt dọc đường vì bộ máy tiêu hóa của trẻ dễ bị nhiễm bệnh hơn người lớn. Bạn cần luôn nhắc nhở trẻ phải tự giữ gìn trong việc ăn và uống.

Dù đã phòng bị kỹ lưỡng nhưng rất có thể ai đó trong gia đình vẫn bị bệnh về đường tiêu hóa, khi đó cần uống nhiều nước (nên uống nước đóng chai), nước trái cây tươi, oresol để bù nước cho cơ thể. Ăn loãng đầy đủ chất dinh dưỡng.

Tránh không ăn các thức ăn đặc cho tới khi hết tiêu chảy. Không ăn sữa và các sản phẩm của sữa, thức ăn nhiều chất xơ, thức ăn có mỡ. Nếu thấy có máu trong phân, uống thuốc vẫn không đỡ, nên đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất.

Viêm đường hô hấp

Rất hay gặp ở trẻ khi đi du lịch. Một phần do trẻ chạy nhảy khiến mồ hôi ra nhiều, không kịp lau khô mồ hôi có thể trẻ sẽ bị cảm lạnh dẫn tới ho, viêm phổi. Ngoài ra, việc trẻ tắm biển lâu cũng là một nguyên nhân gây bệnh về đường hô hấp cho trẻ.

Khi đi du lịch, bạn cần thường xuyên cho trẻ uống nước (khoảng hai tiếng một lần) để cung cấp đủ nước cho trẻ. Nếu cơ thể thiếu nước, trẻ dễ bị sốt nóng, từ đó dẫn đến các bệnh khác về đường hô hấp. Viêm nhiễm đường hô hấp, nhiễm trùng tai mũi họng hoặc cảm sốt thông thường sẽ gây nên chứng co giật, sốt cao ở trẻ.

Khi bị hắt hơi, sổ mũi, ho, sốt, cần đo xem chính xác nhiệt độ cơ thể của trẻ lúc này là bao nhiêu. Nếu sốt cao 38-39 độ nên cho trẻ uống nhiều nước, hạ sốt bằng cách nhúng khăn vào nước hơi ấm, vắt bớt nước và lau vào vùng cổ, nách, bẹn cho trẻ và cho trẻ uống paracetamol theo cân nặng. Tuyệt đối không hạ sốt cho trẻ bằng nước đá, nước lạnh. Nếu không đỡ sốt, hãy đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế gần nhất.

Say nắng

Rất hay gặp trong mùa hè, đặc biệt là khi đi biển. Nguyên nhân thường là cơ thể bị phơi dưới ánh nắng nóng quá lâu, vượt quá mức chịu đựng của cơ thể. Nếu không cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể chết.

Nhận biết say nắng qua các dấu hiệu sau: mệt mỏi, mắt lờ đờ; cơ thể nóng ran, mặt đỏ gay, thân nhiệt lên đến 41 độ C; nhịp thở yếu, nhanh. Trường hợp say nắng nặng sẽ hôn mê hoàn toàn và lên những cơn co giật.

Khi bị say nắng, đặt người bệnh ở một nơi thoáng mát, cởi hết quần áo; dùng khăn thấm nước mát đắp lên đầu, lên trán trẻ, lau nhẹ nhàng mình mẩy, chân tay trẻ, thậm chí nhúng cả người trẻ vào nước mát nhưng phải theo nguyên tắc từ chân lên đầu. Cho uống nước đầy, uống từ từ, ít một để tránh nôn.

Sau đó, hãy nhanh chóng tìm phương tiện đưa người bệnh đi cấp cứu tại một cơ sở y tế gần nhất.

Dị ứng

Khi đi du lịch, trẻ hay được cha mẹ cho ăn đặc sản ở mỗi vùng. Chính món ăn “lạ” khác ngày thường đó nhiều khi lại là nguyên nhân gây dị ứng cho trẻ. Đặc biệt, trẻ đi biển ăn tôm rất nhiều trường hợp bị dị ứng. Khi trẻ bị dị ứng, cần xác định nguyên nhân do thức ăn hay nước uống... để tránh cho trẻ tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Sau đó cho trẻ uống thuốc chống dị ứng. Lúc này, nếu không tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng nữa, cơ thể trẻ sẽ trở lại bình thường.

Phòng tránh tai nạn cho trẻ khi đi du lịch

Nhiều bậc phụ huynh thường ít để ý đến vấn đề này nhưng trên thực tế, tỷ lệ trẻ bị tai nạn trong khi đi du lịch là con số không nhỏ. Điểm du lịch là nơi xa lạ nên mối nguy hiểm với trẻ càng lớn hơn ở nhà. Cha mẹ cần luôn để mắt đến trẻ trong mọi lúc, không để trẻ chơi ở những vùng không an toàn. Khi có sự để ý phòng tránh của cha mẹ, các tai nạn với trẻ đều có thể phòng trừ.

Lời khuyên của bác sĩ

Nên mang theo nhiều loại thuốc như: dầu xoa bóp, nước sát trùng oxy già, bông gạc và băng, thuốc cảm chống đau nhức như aspirin, paracetamol, thuốc ho, thuốc đau bụng, ỉa chảy, thuốc chống dị ứng...

Tránh nắng nóng bằng cách che chắn bằng mũ nón, quần áo. Không nên đi ra ngoài trời khi quá nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 12 giờ đến 14 giờ. Tốt nhất, khi đi du lịch, chỉ nên chơi đùa vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, đó là những thời điểm an toàn nhất cho gia đình bạn, đặc biệt với trẻ.

OX

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm