Hãy bảo vệ nguồn nước

Các nguyên nhân làm ô nhiễm nguồn nước

Ảnh hưởng do hoạt động của con người:

- Các dòng nước mặt (sông, kênh rạch...), đặc biệt là ở vùng đô thị đều bị ô nhiễm trầm trọng bởi rác thải, nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư xả vào kênh rạch chưa qua xử lý.

- Nhu cầu nước sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt và các hoạt động khác của con người gia tăng, dẫn đến tình trạng khai thác nước dưới đất tràn lan gây cạn kiệt nguồn nước và ảnh hưởng đến môi trường như sụp lún, nhiễm mặn...

- Nhiều giếng khoan thi công không đúng kỹ thuật, giếng gần khu vực nhà vệ sinh, hệ thống xử lý nước thải, giếng khoan hư không được trám lấp là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước.

Hãy bảo vệ nguồn nước ảnh 1

- Nhiều sự cố gây thất thoát nước do đường ống dẫn nước cũ gãy bể lâu ngày, rò rỉ nước từ van hư cũ. Lười hoặc quên tắt van cũng là nguyên nhân gây lãng phí nước.

- Để gia tăng môi trường sống, con người phá rừng lấy đất, san ruộng cất nhà, làm đường dẫn đến mất khả năng giữ nước của đất, lượng nước bề mặt không được thấm bổ sung vào nước ngầm mà chảy vào sông rạch, ra biển...

Ảnh hưởng do phát triển nông nghiệp:

- Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm ở hộ gia đình vùng nông thôn chưa có ý thức tiết kiệm nguồn nước, vệ sinh chuồng trại, chưa có hệ thống xử lý chất thải... dễ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước ngầm.

- Việc nuôi các bè cá, bè tôm trực tiếp trên các dòng nước mặt sông rạch đã làm ô nhiễm nguồn nước do một số nguyên nhân: thức ăn của cá dư thừa, sự khuấy động nguồn nước...

- Nhiều giếng khoan ngoài ruộng vườn để tưới tiêu không đảm bảo kỹ thuật gây nhiễm bẩn, nhiễm các hóa chất và thuốc trừ sâu...

- Với tình trạng sử dụng bừa bãi, tùy tiện các loại hóa chất trong phân bón, các loại thuốc kích hoạt phát triển cây... Nhiều hệ thống kênh mương tưới tiêu nội đồng đã bị ô nhiễm nguồn nước và phát tán rộng.

- Hệ thống tưới tiêu và hình thức tưới tiêu không hợp lý là nguyên nhân gây thất thoát lượng nước lớn trong ngành trồng trọt.

Ảnh hưởng do phát triển công nghiệp và dịch vụ:

- Việc gia tăng nhiều nhà máy, xí nghiệp, công nhân... dẫn đến nhu cầu về nguồn nước tăng.

- Các chất thải công nghiệp như khói, bụi... tạo nên mưa axit, làm thay đổi chất lượng nước ngọt, ảnh hưởng xấu đến đất và môi trường sinh thái.

- Việc xả nước thải sản xuất từ các nhà máy, khu chế xuất, khu công nghiệp chưa qua xử lý vào sông rạch, ao hồ gây ô nhiễm nước mặt, nước dưới đất.

Ảnh hưởng do một số nguyên nhân khác:

- Hệ thống kênh rạch không được nạo vét dẫn đến tích tụ một khối lượng lớn các vật chất hữu cơ từ nước thải, rác thải gây bồi lắng và ảnh hưởng đến việc tiêu thoát của dòng nước.

- Các bãi chôn rác không đạt yêu cầu kỹ thuật, nước rỉ ra từ rác thấm vào mạch nước ngầm hoặc cho chảy tràn trên mặt đất vào kênh rạch.

- Ảnh hưởng do chưa có ý thức về sử dụng và bảo vệ nguồn nước như sử dụng bừa bãi, hoang phí, không đúng mục đích sử dụng...

Giải pháp tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước

Trước những nguy cơ gây hại đến nguồn nước, các cơ quan chức năng đã đưa ra một số biện pháp nhằm giúp người dân sử dụng tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước ngay trong nhu cầu sinh hoạt của mình như sau:

Bốn điều để tiết kiệm nguồn nước trong nhà vệ sinh:

- Kiểm tra bồn cầu (toilet) để tìm những chỗ rò rỉ. Bỏ một ít bột màu vào ngăn chứa nước xả của bồn cầu. Nếu chưa xả mà xuất hiện màu trong bồn cầu là nước đang bị rò rỉ, bạn nên sửa chữa ngay.

- Không bỏ đầu lọc thuốc lá hay rác vào bồn cầu. Vì để dội một mẩu thuốc hay mảnh rác nhỏ thì bạn đã lãng phí 5-10 lít nước.

- Hãy tắt nước trong khi chải răng. Chỉ cần thấm nước bàn chải đánh răng và hứng một ly nước đầy để súc miệng.

- Kiểm tra các vòi nước và đường ống để chống rò rỉ. Ngay cả một chỗ rỉ nước nhỏ nhất từ một máy giặt cũ cũng có thể lãng phí trên 70 lít nước/ngày. Cách khắc phục đơn giản chỉ với một vòng đệm rẻ tiền.

Mười điều bạn có thể làm để tiết kiệm nước ngoài vườn:

- Hãy làm cho nước thấm sâu vào bãi cỏ của bạn. Hãy tưới đủ lâu để nước thấm sâu xuống rễ và nuôi cây tốt nhất. Nếu chỉ tưới lớt phớt, nước có thể bị bốc hơi nhanh và khiến hệ thống rễ kém phát triển.

- Chỉ tưới bãi cỏ hay cây kiểng của bạn khi cần. Cách tốt nhất để biết bãi cỏ của bạn có cần tưới hay không là bước lên cỏ, nếu cỏ bật dậy sau khi bạn bước khỏi thì nó vẫn chưa cần được tưới nước, nếu nó nằm rạp xuống thì hãy bật vòi phun nước tưới.

- Hãy tưới nước vào những lúc mát mẻ trong ngày. Tưới nước vào lúc sáng sớm thường tốt hơn so với lúc về chiều vì giúp tránh được sự phát triển của rong rêu.

- Đừng tưới nước không đúng chỗ. Hãy đặt các vòi phun sao cho nước rơi vào các thảm cỏ hay trong vườn cây thay vì lối đi.

- Hãy trồng những cây chịu hạn. Có nhiều cây đẹp, phát triển nhanh mà cần ít nước hơn những loại cây khác như xương rồng, bông giấy...

- Hãy phủ một lớp mùn quanh gốc cây. Lớp mùn sẽ làm chậm sự bốc hơi nước và cũng ngăn cỏ dại phát triển.

- Hãy dùng chổi, tránh dùng vòi xịt nước để làm sạch lối đi.

- Đừng để vòi nước chảy liên tục trong khi đang rửa xe.

- Hãy dạy con bạn đừng đùa nghịch với nước và vòi phun nước.

- Trong cuộc sống dường như chúng ta ít để ý những chỗ rò rỉ nước ngoài sân. Chính chúng cũng gây lãng phí nước không kém.

NHƯ THỦY (Theo Tài liệu tuyên truyền của Sở TN&MT TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm