Chất thải nguy hại: độc hại, nguy hiểm

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, chất thải bao gồm CTNH và chất thải rắn thông thường. Trong đó, CTNH là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn, dễ gây nhiễm, gây ngộ độc hoặc đặc tính nguy hại khác. CTNH có thể tồn tại ở dạng lỏng, rắn, bùn, khí hoặc các dạng khác. Chính vì nguy cơ gây ô nhiễm do có một số chất độc hại của CTNH nên việc phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý (kể cả tái chế, tái sử dụng) phải luôn được quản lý chặt chẽ, khoa học và nghiêm ngặt.

Chất thải nguy hại là gì?

Theo Luật Bảo vệ môi trường thì CTNH là chất chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm, gây ngộ độc hoặc đặc tính khác:

Dễ nổ: Các chất thải ở thể rắn hoặc lỏng có thể nổ do kết quả của phản ứng hóa học khi tiếp xúc với lửa hoặc do bị va đập, ma sát sẽ tạo ra các loại khí ở nhiệt độ, áp suất và tốc độ gây thiệt hại cho môi trường xung quanh. Chính vì dễ nổ nên chúng có thể gây tổn thương da, bỏng và thậm chí là tử vong; phá hủy công trình và thậm chí chết người.

Chất thải nguy hại: độc hại, nguy hiểm ảnh 1

Chất thải nguy hại phát sinh từ sản xuất công nghiệp.

Dễ cháy: Chất thải lỏng có nhiệt độ bắt cháy thấp hơn 60 độ C, chất rắn có khả năng tự bốc cháy hoặc phát lửa do bị ma sát, hấp thu độ ẩm, do thay đổi hóa học tự phát trong các điều kiện bình thường, khí nén có thể cháy. Đặc tính dễ cháy sẽ gây ra hỏa hoạn, bỏng, làm ô nhiễm không khí và nguồn nước.

Ôxy hóa: Chất thải có khả năng nhanh chóng thực hiện phản ứng ôxy hóa tỏa nhiệt mạnh khi tiếp xúc với các chất khác, có thể gây ra hoặc góp phần đốt cháy các chất đó, sẽ gây ra cháy nổ, gây nhiễm độc nguồn nước và không khí.

Ăn mòn: Các chất hoặc hỗn hợp các chất có tính axít mạnh (pH bằng 2 hoặc nhỏ hơn 2), hoặc kiềm mạnh (pH bằng 12,5 hoặc lớn hơn 12,5). Việc ăn mòn có thể gây cháy da, ảnh hưởng đến phổi và mắt, gây hư hại vật liệu công trình.

Chất thải nguy hại: độc hại, nguy hiểm ảnh 2

Chất thải nguy hại: độc hại, nguy hiểm ảnh 3

Chất thải nguy hại phát sinh từ nông nghiệp và y tế.

Có độc tính: Đầu tiên là độc tính cấp, các chất thải có thể gây tử vong, tổn thương nghiêm trọng hoặc có hại cho sức khỏe qua đường ăn uống, hô hấp hoặc qua da. Độc tính từ từ hoặc mạn tính, các chất thải có thể gây ra các ảnh hưởng từ từ hoặc mạn tính, kể cả gây ung thư, do ăn phải, hít thở phải hoặc ngấm qua da. Sinh khí độc, các chất thải chứa các thành phần mà khi tiếp xúc với không khí hoặc với nước sẽ giải phóng ra khí độc, gây nguy hiểm đến con người và sinh vật. Đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Có độc tính sinh thái: Các chất thải có thể gây ra các tác hại nhanh chóng hoặc từ từ đối với môi trường thông qua tích lũy sinh học và/hoặc gây tác hại đến các hệ sinh vật.

Dễ lây nhiễm: Chất thải nếu không được quản lý chặt chẽ, không đảm bảo an toàn trong thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý thì các rủi ro, sự cố sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe cộng đồng. Tùy thuộc vào đặc tính và bản chất của chất thải mà khi thải vào môi trường sẽ gây nên các tác động khác nhau, lan truyền bệnh.

Ai thải CTNH?

Chất thải trong gia đình, hộ dân cư, nơi công cộng... được xem là chất thải sinh hoạt; chất thải phát sinh từ sản xuất công nghiệp, kinh doanh, làng nghề, dịch vụ được gọi là chất thải công nghiệp. Vậy nguồn thải CTNH có từ đâu?

Đầu tiên là từ sản xuất công nghiệp. Đây là nguồn phát sinh chất thải nguy hại chủ yếu và chiếm hơn 80% khối lượng CTNH trong tổng số khối lượng CTNH tại TP.HCM như các dung môi, hóa chất, sơn thải, bao bì chứa hóa chất, dầu nhớt thải... Kế đó là từ hoạt động nông nghiệp, chủ yếu là từ sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ... (chai lọ, thùng nhựa, bao nylon... còn dư, quá hạn). Cạnh đó, CTNH phát sinh từ kinh doanh thương mại và dịch vụ, từ các hàng hóa nhập khẩu có tính chất độc hại, không đạt yêu cầu hoặc hàng hóa tồn lưu đến hết hạn sử dụng, biến đổi chất dẫn đến phát sinh lượng lớn chất thải cần xử lý. Đặc biệt, CTNH còn phát sinh từ các hoạt động y tế, các chất thải này phát sinh từ các chất chứa tác nhân gây bệnh (kim tiêm, ống truyền dịch, bệnh phẩm...); hóa chất thải chứa thành phần nguy hại; các loại dược phẩm gây độc tế bào... Ngoài ra còn có một số nguồn làm phát sinh CTNH từ các hoạt động nghiên cứu khoa học, phòng thí nghiệm và trong đời sống sinh hoạt hằng ngày như pin, ắcquy, bóng đèn huỳnh quang, hóa chất khử khuẩn, diệt khuẩn, tẩy rửa...

Nghe qua có vẻ như không có quá nhiều danh mục các CTNH nhưng theo Quyết định 23/2006/QĐ-BTNMT của Bộ TN&MT về việc ban hành danh mục CTNH thì lại có đến 941 mã CTNH với 19 nhóm ngành nghề khác nhau.

P.NGUYỄN (Theo Tài liệu tuyên truyền quản lý chất thải
nguy hại của Sở TN&MT TP.HCM năm 2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm