QUẢN LÝ TỔNG HỢP CHẤT THẢI RẮN - BÀI 1

3T - giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường

3R và 3T là gì?

3R là từ viết tắt ba chữ cái đầu trong tiếng Anh: Reduce - Reuse - Recycle. Theo nghĩa tiếng Việt là: Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế, gọi tắt là 3T. Đây là giải pháp quen thuộc đối với nhiều nước trên thế giới giúp giảm nhẹ gánh nặng lên môi trường sống.

Tiết giảm (Reduce) là việc giảm lượng rác phát sinh thông qua việc thay đổi lối sống, thay đổi trong cách tiêu dùng, cải tiến các quy trình sản xuất… Chẳng hạn áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, hóa học xanh trong hoạt động sản xuất, hay khuyến khích thói quen “ăn chắc mặc bền” trong đời sống, sinh hoạt của người dân. Đây là nội dung hiệu quả nhất trong ba giải pháp, là sự tối ưu hóa quá trình sản xuất và tiêu dùng về mặt môi trường, tạo ra lượng sản phẩm lớn nhất, sử dụng hiệu quả nhất mà tiêu thụ ít tài nguyên và thải ra lượng thải thấp nhất.

Tái sử dụng (Reuse) là việc sử dụng lại các sản phẩm, hay một phần của sản phẩm cho chính mục đích cũ, hay cho một mục đích khác, sử dụng một sản phẩm nhiều lần cho đến hết tuổi thọ sản phẩm.

Tái chế (Recycle) là việc sử dụng rác thải, vật liệu thải làm nguyên liệu sản xuất ra các vật chất, các sản phẩm mới có ích. Hoạt động thu hồi lại từ chất thải các thành phần có thể sử dụng để chế biến thành các sản phẩm mới sử dụng lại cho các hoạt động sinh hoạt và sản xuất. Mặc dù chất lượng của sản phẩm tái chế không thể bằng sản phẩm từ nguyên liệu chính phẩm nhưng quá trình này giúp ngăn chặn lãng phí nguồn tài nguyên, giảm tiêu thụ nguyên liệu thô cũng như nhiên liệu sử dụng so với quá trình sản xuất cơ bản từ nguyên liệu thô. Tái chế có thể chia thành hai dạng, tái chế ngay tại nguồn từ quy trình sản xuất và tái chế nguyên liệu từ sản phẩm thải.

3T - giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường ảnh 1

Gian hàng tái chế các sản phẩm từ rác của thanh niên quận 3 trong ngày hội tái chế 2010.

Hoạt động 3R hiện đã triển khai tại nhiều nước trên thế giới, được khuyến khích phát triển nhằm góp phần sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong chiến lược bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Chính phủ các nước này đã đưa ra các chính sách tài chính như giảm thuế lợi tức khi đầu tư công nghệ tái chế (Đan Mạch, Mỹ); thành lập Quỹ tái chế chất thải (Đài Loan, Anh) để phát triển hoạt động tái chế chất thải. Các chương trình tái chế chất thải cũng đã huy động sự tham gia hiệu quả của tư nhân và các cộng đồng dân cư.

Ích lợi nhiều bề

Kết quả thực tế từ các nước đã triển khai thực hiện hoạt động 3R cho thấy đây là giải pháp bảo vệ môi trường rất hiệu quả, đồng thời mang lại những ích lợi to lớn về các mặt kinh tế, xã hội...

Trước hết, 3R là các giải pháp xuất phát từ các yêu cầu giảm gánh nặng lên môi trường sống. Bởi vậy, lợi ích cho môi trường là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất cho việc quyết định áp dụng thực hiện nó. Khi thực hiện các giải pháp 3R, rác từ các hộ gia đình sẽ được phân loại và được lưu trữ lại đúng quy cách, làm giảm khối lượng chất thải phát sinh, giảm khối lượng chất thải phải chôn lấp và kết quả là vừa tiết kiệm đất, vừa giảm ô nhiễm môi trường.

Tại các cơ sở tái chế, rác tái chế không còn bị nhiễm bẩn bởi các thành phần hữu cơ phân hủy nên đã giảm thiểu một lượng nước đáng kể dùng để rửa nguyên liệu. Mùi hôi do vậy cũng giảm hẳn. Tại bãi chôn lấp, lượng chất thải giảm, công nghệ chôn lấp thay đổi, chất hữu cơ được chôn riêng nên thành phần nước rò rỉ thay đổi, ít bị ảnh hưởng bởi các chất độc hại.

Về mặt kinh tế, 3R cũng đem lại nhiều lợi ích to lớn. Trước hết là việc tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bởi nó giúp sử dụng vật liệu được tái chế thay cho vật liệu gốc. Nó cũng giúp giảm lượng rác thông qua việc giảm chi phí đổ thải, giảm tác động môi trường do đổ thải gây ra, tiết kiệm diện tích chôn lấp.

Việc tái chế rác mang lại lợi ích kinh tế rất lớn. Nó giải thích tại sao các vật liệu có thể tái chế hiện được thu gom ngay từ nguồn phát sinh cho tới khâu xử lý và tiêu hủy cuối cùng. Các hoạt động tái chế rác dễ thành công bởi nguồn nguyên liệu đầu vào rẻ, phong phú và được hưởng các chính sách khuyến khích. Có nhiều nguồn thu nhập đối với ngành công nghiệp tái chế như bán nguyên liệu cho các ngành sản xuất, bán các sản phẩm tiêu dùng đã qua sửa chữa, tân trang hay bán điện do các lò đốt rác sản xuất ra. Bởi thế, không khó thu hút dòng đầu tư vào phát triển các công nghệ tái chế rác thải hiện đại và xây dựng các cơ sở tái chế.

Giải pháp 3R còn mang lại những lợi ích xã hội to lớn mà hoàn toàn không thể quy đổi thành tiền, cũng như không thể nhìn thấy một cách cụ thể được. Sự tham gia của cộng đồng dân cư trong chương trình này trước tiên sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Tái chế chất thải còn tạo ra việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo. Đồng thời, 3R cũng giảm các chi phí cho xã hội trong quản lý chất thải, trong chăm sóc sức khỏe đối với các bệnh tật do ô nhiễm môi trường từ chất thải gây ra.

NHƯ THỦY

(Còn tiếp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm