Thái độ nào trước thời cuộc?

Trung tuần tháng 5-2015, chiến dịch Todocabi (Tớ đố cậu biết) đã thu hút hàng vạn bạn trẻ theo dõi clip Tiền về nơi đâu? trên YouTube và tham gia cuộc thi sáng tác truyện tranh tương tác “Bịt một mắt” với chủ đề thúc đẩy minh bạch ngân sách nhà nước.

“Tiền về nơi đâu?”

Thông điệp của chiến dịch này rất thiết thực: “Chúng ta là người dân đóng thuế và xứng đáng được biết nhiều hơn về tiền thuế của chính mình”. Đi xa hơn, nhóm thực hiện muốn khuyến nghị công khai phương án phân bổ ngân sách nhà nước trước khi phê duyệt ở tất cả các cấp trong kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 6-2015. Dưới biệt danh Ếch Phu Hồ, những người khởi xướng chiến dịch này đặt mục tiêu nâng cao nhận thức công chúng về minh bạch ngân sách với sự hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ Oxfam. Hãy còn quá sớm để đánh giá tác động của chiến dịch Todocabi, tuy vậy chí ít họ đã khiến không ít người giật mình nhìn lại sự thờ ơ của bản thân trước thời cuộc.

Cùng thời điểm, người ta chú ý đến một diễn đàn hướng dẫn, phổ cập kiến thức và tin tức về luật pháp dưới dạng tranh ảnh đi kèm lời dẫn ngắn gọn, dễ hiểu cho người dân Việt Nam tại địa chỉ http://www.ezlawblog.com. Các đồng sáng lập viên của blog này là người Việt, hiện đang thuộc đoàn luật sư tại các nước phương Tây, đặt niềm tin rằng luật pháp được xây dựng lên là để dành cho và bảo vệ cho mọi người dân, vì vậy kiến thức về luật pháp là một điều tất yếu mà mọi người phải và nên biết. Càng hiểu biết nhiều về pháp luật xung quanh chúng ta thì chúng ta sẽ càng được bảo vệ và tự tin hơn trong cuộc sống hằng ngày. Do vậy mà ở diễn đàn này, người ta có thể biết nên làm gì khi bị cảnh sát giao thông dừng xe, tìm hiểu rõ nét hơn về Luật Giao thông, Luật Doanh nghiệp và tham khảo những góc nhìn khác về những vấn đề thời sự như quyền im lặng tại Mỹ…

Phản biện có “rơi vào khoảng không”?

Cách đây hơn một tháng, nhiều người đã dè đặt đón nhận tin Thủ tướng Chính phủ quyết định thí điểm tổ chức diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức khi tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, diễn đàn hoạt động trên nguyên tắc “bảo đảm tính khoa học, trung thực, khách quan, nhân văn, dân chủ, bình đẳng, công khai, không áp đặt ý kiến cá nhân hoặc quy chụp về mặt tư tưởng, quan điểm khi tham gia…”.

Cá nhân tham gia diễn đàn được phát biểu công khai ý kiến của mình về các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế-xã hội; đề xuất các kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền; được trình bày, trao đổi, tranh luận bình đẳng với các thành viên khác trong diễn đàn về các nội dung tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

Ở góc độ cá nhân, tận dụng hiệu ứng lan tỏa của mạng xã hội, một số bạn trẻ đã nhanh chóng tự liên kết lại để hình thành những chiến dịch truyền thông, phản biện xã hội nhằm kêu gọi mọi người quan tâm hơn đến thời cuộc cũng như tránh trở thành nạn nhân tiếp theo của những vụ bất công như công an dùng nhục hình đánh chết nghi can... Trong bối cảnh đời sống khó khăn, người dân phải gánh gồng đủ loại thuế phí, tham nhũng tràn lan…, việc các chiến dịch này thu hút đông đảo người tham gia là điều dễ hiểu. Vấn đề là liệu phản biện của những người trẻ có “rơi vào khoảng không” hay được cơ quan ban hành các chủ trương, chính sách lắng nghe. Sẽ thật đáng sợ khi cơ quan ban ngành đó không quan tâm đến những vấn đề mà người lên tiếng đặt ra mà chỉ chăm chăm đề nghị xét lại nhân thân, động cơ và xử lý họ...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm