Chuyên gia kinh tế PHẠM CHI LAN:

Nói Samsung là hàng Việt Nam là không sòng phẳng

Hơn nữa theo bà Lan, nhà đầu tư nước ngoài nếu thực sự muốn được coi là hàng Việt Nam hãy chấp nhận mọi bình đẳng giống như doanh nghiệp (DN) Việt Nam chứ đừng vừa muốn coi là DN Việt Nam, vừa muốn hưởng các ưu đãi dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài. Trên thực tế các DN FDI hiện nay đang có nhiều thuận lợi hơn DN nội địa, nhất là so với DN vừa và nhỏ.
Nếu đã coi là hàng Việt Nam, DN Việt Nam thì tất cả chuẩn mực đối xử phải như nhau. Tôi cũng đã nói với các nhà đầu tư nước ngoài như vậy. Chứ ông đừng có khôn, cái gì cũng muốn nhận cả. Thí dụ, những chương trình ủng hộ hàng Việt Nam thì ông muốn coi là hàng Việt Nam nhưng đối xử thì ông lại muốn hưởng ưu đãi riêng. Như vậy là không công bằng, sòng phẳng.

Cơ quan quản lý phải có cách nói rõ ràng, tránh gây nhầm lẫn. Tôi cũng không hiểu sao Bộ Công Thương lại nói như vậy. Nếu nói với dân thì không đúng, còn với quốc tế cũng không chuẩn vì ông phải hiểu chuẩn xuất xứ quốc tế như thế nào. Và ông cũng phải hiểu người dân kỳ vọng cao hơn về những sản phẩm do Việt Nam làm ra, sự đóng góp của mình cao hơn, giá trị gia tăng cao hơn chứ đừng để người Việt Nam ngộ nhận “Samsung là của Việt Nam rồi”, điều này sẽ dẫn đến những điều tệ hại về những thành tích làm được.

Việc “nhận vơ” thành tích của Samsung coi đấy là thành tích của Việt Nam sẽ dẫn đến chủ quan, ngạo mạn rằng ngành điện tử của mình rất oai hùng, mình đã xuất khẩu được điện thoại di động, sản phẩm công nghệ cao ra thế giới.

(Theo Infonet)

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:

Thuế phí đè lên người dân mà tôi không thấy có phản ứng khắc phục

Có hai nguyên tắc vàng chúng ta đang phạm phải. Tốc độ tăng chi nhanh hơn so với tăng thu, làm thâm hụt ngày càng lớn; và tăng chi đầu tư lại thấp hơn tăng chi thường xuyên, tức chi dài hạn để tạo ra tăng trưởng lại thấp hơn so với chi tiêu ăn uống hằng ngày. Vì thế, nợ công tăng lên, bội chi gia tăng. Xu hướng này vẫn tiếp tục, chưa thấy điểm dừng và áp lực ngày càng lớn, không có dấu hiệu ngăn chặn xu hướng này.

Mặt khác, tôi chỉ thấy các biện pháp xử lý ngắn hạn, ví dụ giảm thu thì phải thu triệt để. Biểu hiện rõ nét gần đây là tăng thuế, phí. Gánh nặng về thuế phí đè lên người dân và DN làm họ mất động lực và chán nản. Vậy mà tôi không thấy có phản ứng khắc phục bệnh tình. Cách thức này sẽ mang lại rủi ro, làm bất ổn vĩ mô xảy ra bất kỳ lúc nào và ảnh hưởng nghiêm trọng cho tăng trưởng trong dài hạn. Đây là điểm tôi rất quan ngại, thậm chí lo ngại hơn vấn đề của hệ thống ngân hàng.

Vấn đề ngân sách, nợ xấu... là do thể chế của chúng ta sai lệch, tạo ra động lực sai lệch, từ đó dẫn dắt nguồn lực trong xã hội phân bổ sai lệch, méo mó.

Lẽ ra vốn phải chảy từ nơi hiệu quả thấp sang nơi hiệu quả cao thì Việt Nam ngược lại, vốn chảy vào nơi hiệu quả thấp. Các ngành có hiệu quả cao hơn như dệt may, điện tử lại thu hút ít vốn. Những ngành hiệu quả thấp như bất động sản, ngân hàng, bán lẻ lại có nhiều vốn chảy vào. Vốn cũng chảy vào các ngành khai mỏ, công ích, xây dựng, tài chính, là những ngành có tăng trưởng năng suất lao động âm thời gian qua. Nghịch lý nữa là các DN lớn lẽ ra phải có năng suất cao, có khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật thì ở Việt Nam những DN như vậy, nhất là của tư nhân lại có năng suất vốn thấp.

(Theo Thời báo Kinh Tế Sài Gòn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm