Chuyện cái dấu

Một đứa cháu tôi học lớp 11 đem khoe tôi bài làm văn của nó được 8,5 điểm. Đọc thấy có mấy chữ mãi quốc cầu vinh nhưng cô giáo không sửa, có lẽ cô cũng không thông!

Mãi và mại

Thành ngữ này viết đúng phải là mại quốc cầu vinh (bán nước cầu vinh), vì mại là bán, còn mãi là mua. Không ai đi mua nước cầu vinh! Cũng như người ta nói gái mại dâm (gái bán dâm) chứ không nói gái mãi dâm; hoặc khuyến mãi chứ không phải khuyến mại. Sẵn dịp, tôi nói thêm về những nhầm lẫn dấu tương tự, chẳng hạn nói bệnh mạn tính (là bệnh đến từ từ, kéo dài lâu năm, rất khó chữa trị) chứ không nói bệnh mãn tính như trên nhiều báo, đài vẫn viết và nói! Cháu tôi không tranh cãi, chỉ nhíu mày nghĩ ngợi hồi lâu rồi chợt reo lên: “A, con hiểu rồi, từ Hán Việt dấu ngã và dấu nặng thường đồng nhất, tùy lúc và tùy thói quen mà người ta dùng khác nhau thôi. Nếu không tại sao nhà báo, nhà văn mà viết sai, lại nhiều người sai quá vậy”? Nó đi lục lọi mang vô số “bằng chứng” đến. Đặc biệt, ngay trên một tờ báo lớn có bài tựa là “Khuyến mại bán hàng, ai quản lý?”. Trong bài dùng ngót chục từ khuyến mại. Nhưng dẫu sao thì cũng đỡ hơn khi ghép chung khuyến mại bán hàng (khuyến khích bán… bán hàng) không hiểu nổi. “Nhà văn, nhà báo lẽ nào viết sai” hẳn là suy nghĩ của nhiều người. Nhất là các em học sinh cứ viết theo các bài báo đó thì không biết sau này sẽ ra sao.

Chữ nghĩa tùy tiện

Mà đâu phải chỉ có chuyện cái dấu, người ta vẫn thấy chữ nghĩa được sử dụng tùy tiện ở khắp nơi. Đó đã là chuyện “khổ lắm, nói mãi”. Cháu tôi từng cho rằng chỉ cần viết chữ đúng chính tả, còn nghĩa ai hiểu sao thì tùy người ta. Cơ sự này đành phải ngồi cắt nghĩa cho nó về ý nghĩa gốc của từ, rồi đến thói quen sử dụng dần dần thay đổi theo thời gian. Nó gục gặc đầu: “Ở trường, môn văn có phần ngữ pháp, phải chi có thêm tiết dạy ngữ nghĩa nữa thì hay biết mấy”.

Sau khi nghe cháu tôi kể chuyện tôi giải thích ngữ nghĩa, các bạn cháu thường tìm đến tôi để hỏi về nghĩa của các từ thông dụng khi xảy ra cuộc tranh luận không có hồi kết - bởi vì đứa nào cũng có bằng chứng hẳn hoi rằng sách báo chỗ này chỗ này đã viết thế đấy thế đấy... Có một vụ điển hình: Nhóm của cháu tôi cho rằng phải viết là dầu hàu mới đúng, còn nhóm bạn nó thì trưng ra đủ loại nhãn của các nhà sản xuất đồng loạt in là dầu hào. Lý luận của nhóm này rất vững chắc không cãi vào đâu được, là từ nào tới giờ luôn viết là dầu hào, nếu sai thì người ta đã chỉnh sửa từ lâu rồi, bởi vì nhãn hiệu chính là bộ mặt của nhà sản xuất mà! “Còn hào là gì hả? Đó là một thứ nguyên liệu để ép ra dầu chứ còn gì nữa”. Phe cháu tôi phản pháo: “Rõ ràng trên nhãn có in ảnh con hàu, lật từ điển mà coi: Con hàu chứ không phải con hào”.

Tôi bảo viết đúng phải là dầu hàu. Cũng như nhiều người Nam Bộ vẫn thường đọc và nói là các cháo nhưng khi viết vẫn viết là các cháu đấy thôi!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm