Bệnh đua đòi

Điều đáng ngạc nhiên là dân Singapore dù có thu nhập trung bình cao hàng đầu thế giới, gấp vài mươi lần thu nhập của người Việt nhưng chẳng có người Singapore nào xếp hàng mua “những trái táo” iPhone mới này khi chúng được bán ngay trên chính đất nước họ.

Không chỉ người Việt trong nước mà cả ở Mỹ, người Việt cũng xếp hàng mua iPhone 6S từ đêm trước - có cả người cao tuổi trong đoàn người xếp hàng. Chứng tỏ người Việt là những “tín đồ” công nghệ cao.

Người Việt là tín đồ công nghệ cao

Mặc dù Việt Nam tiếp xúc và phát triển kỹ thuật - công nghệ cao khá muộn so với ngay cả các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia... nhưng ta đã phát triển nhanh đến chóng mặt. Công nghệ cao chúng ta đi sau nhưng đã vượt nhiều nước đi trước. Tỉ lệ người Việt dùng Internet thuộc hàng cao nhất, nhì khu vực. Thật đáng mừng khi không chỉ mảng tiêu dùng thụ hưởng công nghệ cao phát triển nhanh mà Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu phần mềm có hạng hiện nay. Trong đó công đầu sáng tạo thuộc về giới trẻ nhờ sự thích nghi, chớp thời cơ nhanh nhạy.

Bên cạnh sự hòa nhập tích cực vào thế giới công nghệ cao của những người sáng tạo trẻ Việt còn có một bộ phận không nhỏ những người trẻ đua đòi, chỉ biết chạy theo công nghệ cao một cách mù quáng. Ta có thể bắt gặp mọi lúc mọi nơi hình ảnh những chàng trai, cô gái ôm iPhone, iPad cắm đầu cắm cổ vào màn hình không biết có ai quanh mình! Họ có thể là những thanh niên nam, nữ con nhà khá giả ham chơi bỏ học, hay vô công rồi nghề, suốt ngày ôm iPhone, iPad chat chit hay lang thang trên các trang mạng truy tìm những tin tức giật gân, rồi còm những câu nhảm nhí. Họ có thể là những sinh viên, học sinh dù là con nhà nghèo nhưng đua đòi tìm mọi cách - kể cả vay mua trả góp để có được cái smartphone, iPad xịn, chủ yếu là để khoe mẽ.

Hàng công nghệ cao và những hệ lụy

Hiện nay hầu hết cửa hàng bán điện thoại, laptop, iPad, iPhone đều có bán trả góp với các điều kiện thoạt nghe dễ dàng, rất hấp dẫn. Nhiều bạn trẻ vì mê những sản phẩm công nghệ cao này một phần nhưng chính là thích đua đòi cho oách mà không “tự lượng sức mình” ký hợp đồng mua rồi vướng nợ kéo dài không biết cách nào trả được. Những sản phẩm công nghệ càng cao, giá càng đắt thì càng nhanh chóng bị “đề mốt” và mất giá với một tỉ lệ cũng rất cao so với giá lúc mua. Một chiếc smartphone mới mua mười mấy triệu đồng, xài mấy tháng giá chỉ còn một nửa mà đôi khi không bán được! Những người mê nhưng có điều kiện tài chính thì chẳng hề chi, họ đâu tính tới chuyện giá cả. Nhưng các bạn trẻ, con nhà nghèo mà bày đặt đua đòi là khốn, khi cần tiền trả nợ rao bán có khi rẻ mạt cũng không xong.

Có những bạn gái nghèo nhưng đã lỡ đua đòi mua iPhone, iPad xịn cho bằng chị bằng em, rồi nợ không trả nổi, có khi phải trả bằng những cái giá khá đắt với đời con gái. Bản thân tôi đã từng gặp nhiều trường hợp có thiếu nữ sa ngã chỉ vì ban đầu từ những món nợ mua hàng cao cấp cho sang... Không hiếm các bạn sinh viên con nhà nghèo nhưng đua đòi, nói dối cha mẹ xin tiền học thêm nhưng để mua smartphone. Cũng có bạn vay trả góp mua điện thoại, mua xe, hy vọng kiếm việc làm thêm nhưng công việc bấp bênh, bữa đực bữa cái, nợ không trả nổi, lãi mẹ đẻ lãi con, bị phân tâm, học hành sa sút, thi rớt hỏng cả một tương lai mà gia đình kỳ vọng...

Chúng ta đang sống trong thời đại mà cứ mấy phút lại có một phát minh mới. Những sản phẩm công nghệ cao liên tục ra mắt, dễ làm lóa mắt người tiêu dùng. Nhất là những người tiêu dùng trẻ tuổi trong một xã hội tiêu dùng rất dễ bị mê hoặc bởi muôn hình vạn trạng hình ảnh và những lời quảng cáo có cánh. Xài hàng xịn ai mà không ham nhưng các bạn trẻ hãy nhớ tới câu tục ngữ “liệu cơm gắp mắm”, tức liệu khả năng tài chính của mình trước khi mua những sản phẩm cao cấp đắt tiền không phải vì nhu cầu bức thiết mà chỉ vì chạy theo phong trào hay sự hào nhoáng của đám đông.

Tất cả lớp son phấn hào nhoáng này đang nhằm che lấp cho những thiếu hụt về kiến thức, tinh thần, bản lĩnh sống trong một bộ phận giới trẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm