VĐV đội tuyển bóng rổ Sóc Trăng: Đột tử trên sân

Sau khi VĐV Diệp Phước Lộc đột quỵ, lập tức ban tổ chức cùng lãnh đạo đội bóng đưa Lộc đi cấp cứu nhưng không kịp... Kết luận của bác sĩ BV Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, Diệp Phước Lộc đột tử do chứng nhồi máu cơ tim. Trước đó theo kết quả khám sức khỏe tại BV Quân - Dân y tỉnh Sóc Trăng, Phước Lộc không có biểu hiện bất thường nào về sức khỏe, thậm chí anh còn là một trong những VĐV có thể lực và sức bền tốt nhất đội.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Lộc năm nay 27 tuổi, cao 1,96 m nhưng chỉ cân nặng 50 kg. Thể trạng Lộc hơi bất thường đối với một VĐV thể thao nhưng Lộc vẫn “hoàn tất” phiếu khám sức khỏe - điều kiện tối thiểu để một VĐV tham gia tranh tài các giải đấu thể thao (!?).

Trao đổi về việc này, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam Nguyễn Quốc Quân bộc bạch: “Không thể kiểm soát sức khỏe VĐV vì việc này đã có các đội bóng lo liệu. Chúng tôi lấy làm tiếc vì trường hợp của Lộc. Theo tôi Phước Lộc có thể hình quá gầy so với một VĐV bình thường”.

VĐV đội tuyển bóng rổ Sóc Trăng: Đột tử trên sân ảnh 1

VĐV Diệp Phước Lộc (14) cùng các đồng đội ở đội tuyển bóng rổ Sóc Trăng. Ảnh: DƯƠNG THU

Liên hệ ca đột tử của Phước Lộc với trường hợp đột quỵ của cầu thủ Anh Muamba, VĐV thể thao Việt Nam luôn đối mặt nguy cơ với rủi ro nếu không biết tự bảo vệ mình trước khi mọi chuyện quá muộn!

Trước đó, tại Việt Nam cũng đã có hai trường hợp đột quỵ và đều rơi vào các cầu thủ ngoại đang thử việc tại Việt Nam. Năm 2007, tiền vệ Atangana, gốc Cameroon thử việc ở CLB Quân khu 4 đang tập luyện trên sân cùng đồng đội thì bất ngờ ngã ra bất tỉnh và chết tại Viện Quân y Quân khu 4. Năm 2006, cầu thủ Vedaste, 26 tuổi, quốc tịch Bỉ, gốc châu Phi đang tập cùng các đồng đội ở đội hạng nhất Đồng Nai thì có biểu hiện mệt mỏi và đêm đấy nằm bất động trên giường rồi chết trên đường đưa đến bệnh viện.

Đây cũng là hồi chuông báo động cho công tác y học về thể thao tại Việt Nam cùng việc kiểm tra sức khỏe rất hời hợt, đại khái tại các đội bóng.

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não do động mạch não bị tắc nghẽn, lượng máu dùng để cung cấp cho vùng não sẽ bị cản trở và một phần não sẽ ngưng hoạt động. Nếu không được cấp cứu kịp thời thì vùng não này sẽ bị chết và ngừng chức năng vĩnh viễn, gọi là nhồi máu não. Theo nghiên cứu, thống kê có hơn 80% các ca đột quỵ là do nhồi máu não. Khi bị đột quỵ, người bệnh sẽ rơi vào tình trạng một phần não bị hư hại đột ngột do mất máu nuôi và các tế bào não sẽ bị chết dần đi. Hậu quả dẫn đến thường là bệnh nhân bị liệt nửa người, hôn mê hoặc tử vong.

Trường hợp đột quỵ trong thể thao thường rơi vào những người có tiền sử về bệnh tim mạch nhưng không được theo dõi kỹ hoặc không được phát hiện kịp thời khiến người bệnh hoạt động với cường độ cao và dẫn đến động mạch não bị tắc nghẽn.

Ở Việt Nam trước các giải đấu vẫn thường có kiểm tra sức khỏe nhưng việc này đa phần được “khoán” cho các đội bóng lấy giấy chứng nhận ở bệnh viện hoặc các phòng khám như thi lấy giấy phép lái xe vậy và việc này thì đã từng xảy ra chuyện không đi khám hoặc khám qua loa nhưng vẫn có chứng nhận đầy đủ với mộc đỏ đàng hoàng.

NH(theo nhiều nguồn tư liệu)

MINH QUANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm