Vấn đề của bóng đá Việt Nam: Để lâu… hóa bùn

Ngay trước khi bóng lăn trên sân Cần Thơ, một nhóm CĐV Hải Phòng lặn lội theo chân đội nhà từ trận thắng Đồng Tháp 3-1 đã thấy có những điều bất thường. Đấy là việc HLV Trương Việt Hoàng cho ra sân một đội hình lạ lẫm so với hầu hết các trận trước đó, trừ một vài thay đổi do chấn thương của các nội binh. Cả hai chân sút ngoại Fagan và Stevens chủ lực bị cho ngồi ngoài, đội hình dự bị của Hải Phòng chơi vật vờ rồi để thua sớm hai bàn trong hiệp 1.

Chung cuộc Cần Thơ thắng nhẹ Hải Phòng 2-1 nhưng đáng nói là cái kiểu ngã ngựa của đội khách chẳng khác nào “mời ông xơi” và tự thua ngay từ khi sắp đội hình, khác hẳn với trận lượt đi họ từng thắng dễ 4-2. Cần Thơ có 3 điểm quý giá trong cuộc đua tránh rớt hạng gay go khi đội khách bỗng dưng không còn là chính mình.

Những ngày qua, cả VFF lẫn VPF đều không có một động tĩnh nào cho thấy việc họ quan tâm đến việc điều tra tiêu cực (nếu có) hoặc soi lại băng ghi hình trận đấu để rộng đường dư luận. Duy nhất có cuộc điện thoại của Tổng Giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn cho ông chủ tịch CLB thì được lý giải do chủ nhà chơi hay hơn và việc cất nhiều trụ cột để dưỡng sức lẫn tránh thẻ cho trận sau về sân nhà tiếp SHB Đà Nẵng (!?).

Khán giả Hải Phòng hết mình với đội bóng nhưng cũng sẵn sàng đòi ban tổ chức làm cho ra lẽ trước biểu hiện tiêu cực, nhường điểm của đội nhà. Tiếc là ban tổ chức vẫn “giả điếc” và ngó lơ. Ảnh: QUANG THẮNG

Trong khi làng bóng bận bịu với cuộc đón tiếp Man. City thì một nhóm CĐV Hải Phòng vẫn bức xúc với thái độ thiếu tích cực của đội nhà ở trận thua khó hiểu.Và họ đã phản ứng bằng nhiều cách. Họ chia sẻ nỗi đau bị lừa dối của mình trên các trang mạng xã hội và một vài người còn dựng một banderole trước sân… Mỹ Đình ngay trước trận đón Man. City với dòng chữ: “Hãy nói không với tiêu cực bóng đá. Đề nghị VFF, VPF và các cơ quan chức năng làm sáng tỏ trận đấu vòng 18 V-League giữa Hải Phòng và XSKT Cần Thơ”.

Sự nghi ngờ của các CĐV Hải Phòng không phải vô lý bởi không ai dại dột đi bêu xấu đội bóng mình yêu quý. Họ mất tiền vào sân và có quyền đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền làm cho ra lẽ về một trận cầu có nhiều góc tối.

Nếu đúng như trận đấu có tiêu cực như phản ảnh của các CĐV thì đây cũng là một cơ hội cho các nhà làm giải bài trừ tệ nạn này. VFF và VPF hoàn toàn có quyền thẩm tra từ nhiều phía và đơn giản là mời một hội đồng chuyên môn xem lại băng ghi hình để làm sáng tỏ sự việc. Ban tổ chức giải có thể trừ điểm đội bóng thi đấu có dấu hiệu thiếu tích cực như điều lệ giải mà không cần phải bằng chứng như các đời trưởng giải khác đã làm. Ngược lại, nó xóa đi nghi ngờ của làng bóng và trả lại sự trong sạch cho các cầu thủ Hải Phòng lỡ thua vì một nguyên nhân thuyết phục chứ không dính đến tiêu cực.

Sự việc Hải Phòng thua đội dưới cơ đột ngột với nhiều khuất tất sẽ thiệt thòi và nguy hiểm hơn cho các đội ở nhóm dưới đá bằng chính sức mình lẫn nói không với tiêu cực.

Hy vọng các nhà làm giải sẽ không mũ ni che tai hoặc để lâu… hóa bùn nhằm đem lại sự công bằng và ngăn ngừa tệ nạn cho cuộc chơi V-League.

Đằng sau vẻ hào nhoáng với “Man xanh”

Cả gia đình gồm cả vợ, con, họ hàng và bạn con của một quan chức VFF trên sân Mỹ Đình ngót khoảng 20 người xem “Man xanh” đá với đội tuyển khiến nhiều người “áy náy”. Nói như chính giới bóng đá là VFF rất cần những “lễ hội” như thế để xóa bớt phần kiện cáo làm mất mặt các quan chức.

Trong khi đó V-League thì gần 2/3 chặng đường nhưng các CLB lại ở những trạng thái khác nhau. FLC Thanh Hóa thay ông chủ lập tức tạo những đột biến nhờ sự chịu chơi của bầu Quyết nhưng “bên ngoài” lại đang lo sự trồi sụt trên thương trường mà FLC có những lời ra tiếng vào khác nhau; Đồng Tháp sau giai đoạn 1 có lúc khủng hoảng vì nợ lương và những xào xáo trong nội bộ có cả chuyện cầu thủ đòi đưa CLB ra tòa; HA Gia Lai sau khi tìm được trận thắng sau chuỗi 990 phút không thắng đã bắt đầu cho đám trẻ cầm tiền thưởng như hồi bầu Đức mới học làm bóng đá đưa Kiatisak về; B. Bình Dương sau hai trận thua do nội bộ nhiều hơn do thực lực đã bắt đầu có những điều chỉnh cần thiết vào giai đoạn báo động đỏ…

V-League sau 18 vòng bắt đầu có những khoản nợ trong và ngoài từ những CLB hoặc ông chủ của các CLB. Mới đây, sự ồn ào quanh đại hội cổ đông của một ngân hàng mà lãnh đạo VFF có chân lớn trong đấy cũng ảnh hưởng không ít đến những đội bóng có ông chủ vay tiền của ngân hàng này cùng dấu hỏi quanh các dự án.

V-League hóa ra vẫn chưa thể nuôi được bản thân mình mà thay vào đó là sự sống mòn, sống nhờ vào các ông chủ có lòng hảo tâm khi đầu tư đội bóng hoặc vì lợi ích riêng với địa phương có đội bóng mà họ đầu tư. Hoàn toàn khác hẳn với Thai-League được đồng bộ hóa từ các CLB qua cách làm chuyên nghiệp để không phải thở bằng mũi người khác.

Chả trách nhà tài trợ chính Toyota có “trách nhiệm” với V-League chỉ bằng 1/7 so với “trách nhiệm” cùng Thai-League.

NGUYỄN HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm