Ông Trần Song Hải: “Tôi muốn gắn bó mãi với Fair Play”

Ông Hải ngoài công việc kinh doanh còn là phó chủ tịch Hội CĐV lâm thời Việt Nam và có mặt trên từng cây số ở những trận đấu của đội tuyển quốc gia lẫn các CLB yêu thích.

. Vì sao ông quyết định gắn bó với giải thưởng Fair Play của báoPháp Luật TP.HCM?

+ Tôi muốn gắn bó mãi mãi chứ không phải chỉ vào tuổi lên hai của giải thưởng uy tín này. Từ ngày biết xem bóng đá, tôi luôn tâm niệm bóng đá đẹp phải có bốn yếu tố: Cống hiến hết mình; tinh thần đồng đội; bóng đá cao thượng; khát vọng vươn lên. Bóng đá mang lại cho tôi một cảm giác rất đặc biệt, có thể là niềm vui ngây ngất sau một trận thắng các cường quốc khác… Vì thế tôi mong muốn cuộc chơi bóng đá phải thực sự công bằng và sòng phẳng với một tinh thần Fair Play mà những nhà tổ chức của báo Pháp Luật TP.HCM hướng đến.

. Về cơ bản, các thành phần làm nên một trận đấu phải có tư tưởng “chơi đẹp” nhưng thực tế sân cỏ Việt Nam còn xem Fair Play một cách sơ sài…

+ Do người ta còn cay cú và chú trọng đến chuyện thắng thua quá! Hãy nhìn xem, các nhà làm bóng đá cứ nghĩ đổ thật nhiều tiền vào là có bóng đá chuyên nghiệp, ai nhiều tiền hơn thì thắng. Họ tranh từng cầu thủ của nhau và phá nhau, đi ngược lại với tinh thần Fair Play trong bóng đá. Tôi chỉ nghĩ cuộc chơi phải theo luật, tôi có kém thì học hỏi chứ không phải bỏ tiền ra rút ruột phá nhau kiểu đó.

Ông Trần Song Hải: “Tôi muốn gắn bó mãi với Fair Play” ảnh 1

Ông Trần Song Hải (phải) cùng các CĐV Việt Nam theo chân đội tuyển đi khắp nơi. Ảnh: PV

. CĐV bóng đá đôi khi có những nghi ngờ về tính trung thực trong bóng đá Việt Nam ở một số CLB, không loại trừ cả hiểm họa cá cược qua mạng hoặc chỉ là thái độ thiếu tích cực của cầu thủ?

+ Tôi rất thích cách nhìn nhận về bóng đá của TS Mai Liêm Trực (cựu Chủ tịch VFF) là cầu thủ không thể giả vờ giỏi hay giả vờ dở, bàn dân thiên hạ biết hết. Bóng đá cần sự minh bạch mà tôi lại thấy những người làm bóng đá ở mình còn nhiều người diễn quá, diễn chuyên nghiệp. Chẳng hạn, ông trưởng Ban Kỷ luật VFF luôn cứng nhắc “án tại hồ sơ” có khác nào đầu hàng tiêu cực. Làm bóng đá mà “ném chuột sợ vỡ bình” thì làm gì nữa? Cho nên tôi ngày càng thấy giải thưởng Fair Play mang nhiều ý nghĩa trong làng bóng Việt Nam. Mình tôn vinh cái đẹp cũng đồng nghĩa với việc tẩy chay, lên án cái xấu vậy. Sự ra đời của Ban Tư vấn Đạo đức VPF có nhiều thành viên trong Ban Thẩm định giải Fair Play theo tôi cũng là một cách cổ vũ rất lớn cho nét đẹp trên sân cỏ.

. Theo ông, bóng đá Việt Nam cần phải làm gì để ngày càng có nhiều hình ảnh Fair Play hơn nữa?

+ Người lớn phải làm gương, đặc biệt là các nhà quản lý và điều hành nền bóng đá. Tôi lo ngại với tình trạng giằng co giữa họ với người yêu bóng đá chân chính. Đấy cũng là cái khó của Ban Tư vấn Đạo đức do không được lòng VFF, do những sự thật dễ gây mất lòng mà các thành viên đang nỗ lực góp phần làm trong sạch bóng đá Việt Nam. Nhưng cứ tin tôi đi, uy tín của giải thưởng “Bóng đá cao thượng” sẽ ngày càng lớn mạnh và cái đẹp sẽ trở nên bất diệt.

. Xin cảm ơn ông.

. Sau 10 lượt đấu đã qua, ông có ấn tượng với Hội CĐV nào nhất?

+ Quả thật tôi rất thích thú với hình ảnh nhuộm vàng các khán đài trên cả nước của CĐV SL Nghệ An. Càng ấn tượng thì tôi lại càng buồn bấy nhiêu khi ở trận tiếp Đồng Nai ở vòng 10, CĐV le ngoe trên khán đài sân Vinh. Hỏi ra tôi mới biết rất nhiều CĐV muốn tẩy chay đội bóng do thái độ của cầu thủ và lối chơi cống hiến đã không còn nữa. Thậm chí có CĐV còn nói với tôi rằng họ không thèm đến sân nếu SL Nghệ An vẫn còn “đi làm kinh tế”. Đấy là một bằng chứng rất hùng hồn trong bóng đá, tinh thần Fair Play của đội bóng là yếu tố tiên quyết để hấp dẫn khán giả hoặc ngược lại họ phải trả giá khi đánh mất lòng tin.

CÔNG TUẤN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm