NGUYÊN TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC TDTT LÊ BỬU:

‘Làm thể thao mà chạy chức, chạy quyền thì tiêu!’

Thời gian vừa qua dư luận xôn xao vụ hai quan chức LĐBĐ VN (VFF) gồm Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó Chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn bị tố cáo nhận hối lộ. Bên cạnh đó, việc Tổng cục TDTT đưa người sang VFF kiêm nhiệm quá nhiều ghế và có dấu hiệu thâu tóm quyền hành trong tổ chức VFF cũng bị dư luận lên án. Xung quanh vấn đề này chúng tôi có cuộc trao đổi với nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu.

. Phóng viên: Ông có theo dõi những vấn đề của bóng đá bị dư luận đánh dấu hỏi trong thời gian gần đây?

+ Ông Lê Bửu: Hãy kể cho tôi nghe, tôi không biết gì cả (yên lặng thật lâu rồi cười to). Tôi đùa vậy thôi chứ tôi đã theo dõi tất cả và tôi cũng biết thông tin rất rõ về chuyện này từ nhiều phía.

. Thế ông có suy nghĩ và quan điểm như thế nào về việc một ông từng là quyền giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ VFF tố cáo Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn nhận hối lộ?

+ Điều này thì phải cân nhắc và đừng vội suy diễn. Khi tố cáo tiêu cực thì phải có chứng cứ. Tôi nói như thế bởi bây giờ, chuyện nội bộ đấm đá nhau, gài bẫy nhau vì cái chức, cái quyền xảy ra quá nhiều. Tôi nghĩ với ông Lê Hùng Dũng một vài trăm triệu đồng chẳng là gì cả. Nhận hối lộ như thế để làm gì. Cái chính là chọn người và ngồi đúng vị trí để phát triển một nền bóng đá. Thể thao mà chạy chức, chạy quyền, chạy ghế để vào làm rồi vòi vĩnh thì tất nhiên tiêu tan một nền thể thao. Làm thể thao thì phải có cái tâm và cái tầm mới tốt lên được, còn vì cái ghế, nhiều ghế và vòi vĩnh thì tiêu.

Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó Chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn trong một buổi họp VFF. Ảnh: QUANG THẮNG

. Vốn từng là một người đứng đầu Tổng cục TDTT, ông suy nghĩ gì khi ông Trần Quốc Tuấn là người của Tổng cục TDTT được điều sang tổ chức xã hội như VFF và ngồi một lúc mười mấy ghế rồi mới đây khi vừa mất ghế AFC thì lại vội vàng tìm cách lấy ghế phó chủ tịch AFF của ông Dương Vũ Lâm?

+ Gần đây tôi nghe tin rất nhiều về cậu Tuấn này và tôi rất… đau. Đau cho ngành thể thao và đau cho bóng đá nước nhà. Ngày tôi còn làm giám đốc Sở TDTT TP.HCM, tôi đề xuất anh Khoái ở Tổng cục TDTT đưa cậu Tuấn ấy sang Liên Xô học nghiên cứu sinh và Tổng cục TDTT đã đồng ý. Chắc anh sẽ thắc mắc vì sao tôi đề nghị như thế ư? Vì bố cậu ấy là anh Chín Lộc, người có đóng góp rất lớn cho ngành thể thao Phú Khánh trước đây và sau này là Khánh Hòa. Thể thao Phú Khánh thời đó rất mạnh, nhất là điền kinh. Tôi cảm động vì điều đó và biết ơn những con người cống hiến cho thể thao như anh Chín Lộc và chính tôi đã đề xuất lên để cậu Tuấn con anh Chín đi Liên Xô học. Sau này anh Chín Lộc mất, tôi còn thân chinh ra Nha Trang ba ngày lo chu toàn tang lễ mọi thứ. Nhưng tiếc là cậu Tuấn được tạo nhiều điều kiện lại không có cái tâm với thể thao như bố cậu ấy. Sau này cậu Tuấn mỗi khi gặp tôi là lại né tránh, không một lời chào. Tôi không đau vì điều này nhưng đau ở chỗ ngành thể thao cử cán bộ đi học nước ngoài về để lo cho nền thể thao, chứ không phải chạy chức, chạy quyền, chạy ghế để ngồi thật nhiều ghế rồi vòi vĩnh, rồi thao túng… Tôi cũng nghe nói cậu Tuấn này giờ đang nhắm đến chức cục phó, cục trưởng gì đó…

. Nhưng vốn là lãnh đạo Tổng cục ông có suy nghĩ và ý kiến gì về việc người của Tổng cục được đưa sang ngồi quá nhiều ghế ở tổ chức VFF mà nền bóng đá thì không lên được?

+ Điều này anh phải hỏi lại lãnh đạo của Tổng cục TDTT, hỏi lãnh đạo của Bộ VH-TT&DL. Làm ngành thể thao ngồi nhiều ghế như thế lại không giàu chuyên môn thì đó là chạy chức, chạy ghế. Điều đó rất nguy hiểm cho bóng đá nói riêng và thể thao nước nhà nói chung. Tất nhiên qua đó mọi người mà cụ thể là tôi cũng có quyền đặt dấu hỏi vì sao Bộ và Tổng cục lại dễ dãi với cán bộ của mình như thế. Tôi đau là vì không phải đấy chỉ là chuyện của cá nhân cậu Tuấn.

. Là người của ngành thể thao, ông xác định thế nào về thông tin ngày trước, để đủ chuẩn vào ĐH TDTT thì ông Tuấn được “cài đặt” vào tổ tiếp sức Khánh Hòa thi đấu bên cạnh ba ngôi sao điền kinh và nhờ “ăn theo” thành tích đấy mà đủ chuẩn vào ĐH TDTT rồi sau đó sang thẳng Liên Xô học?

+ Điều này là đúng, là có thật. Nhiều anh em cán bộ thương anh Chín Lộc hết lòng và tận tình với thể thao nên đã giúp con anh ấy có điều kiện để nối nghiệp cha. Thế nhưng…

. Từng là lãnh đạo đầu ngành của thể thao Việt Nam, ông có nhận xét gì khi vài ngày sau đơn tố cáo thì đích thân người tố cáo là ông Tuấn lại dẫn hai lãnh đạo trong Vụ Tổ chức của Tổng cục TDTT đi sang Nhật học làm bóng đá chuyên nghiệp bằng ngân sách của VFF?

+ Điều này nghe thật buồn cười nhưng có thật như vậy thì Tổng cục TDTT làm mất niềm tin người hâm mộ quá. Làm bóng đá chuyên nghiệp thì giao cho tổ chức bóng đá chuyên nghiệp, quan chức Tổng cục chẳng nhảy vô làm gì. Rồi sau này vụ thanh tra, xác minh ông Tuấn có nhận hối lộ thật không liệu có những người của Tổng cục mà ông Tuấn dẫn đi can dự hay không? Thật đáng lo cho ngành thể thao mà lại để người hâm mộ cứ nghi ngờ, dị nghị như thế. Thật đáng buồn cho ngành thể thao…

. Xin cám ơn ông.

Đừng để điều đấy tồn tại trong ngành thể thao

Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu chia sẻ: “Tôi lo nhất là cái miệng thì hô hào nhưng làm thì ngược lại. Nạn chạy chức, chạy ghế, chạy quyền mà tồn tại trong ngành thể thao thì tiêu tan nền thể thao. Thể thao đòi hỏi sự cống hiến không cần thừa nhận. Còn nếu chạy chức, chạy quyền, chạy ghế mà nhảy vào thể thao thì nguy hiểm lắm lắm...”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm