CUỘC CHIẾN BẢN QUYỀN TRUYỀN HÌNH GIỮA VPF VÀ AVG

“Chưa đủ “đồ chơi”, VPF đã ra đòn”

Công văn của phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF cho phép VTV được tường thuật và phát sóng các trận đấu dựa vào quy định tại Điều 53.2 Luật Thể dục, Thể thao. Quy định này như sau: “Liên đoàn thể thao quốc gia, CLB thể thao chuyên nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác tổ chức giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp là chủ sở hữu giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp do mình tổ chức…”.

Quy định trên được hiểu là nếu xác định LĐBĐ VN hoặc VPF tiến hành tổ chức bốn giải bóng đá mà công văn của VPF đã nêu thì đơn vị đó là chủ sở hữu của các giải bóng đá đó. Trong trường hợp này, Nghị quyết số 426/QN/LĐBĐ VN của VFF trao cho VPF quyền: Quản lý, tổ chức, điều hành và khai thác thương quyền các giải bóng đá”.Thế nhưng, các văn bản liên quan lại không thể hiện nội dung LĐBĐ VN đã chuyển quyền sở hữu đối với các giải bóng đá cho VPF theo quy định tại Điều 53.2 Luật Thể dục, Thể thao hay chưa.

“Chưa đủ “đồ chơi”, VPF đã ra đòn” ảnh 1

Cuộc chiến bản quyền truyền hình sẽ còn rất phức tạp khi LĐBĐ VN chuyển giao chưa đủ và chưa đúng, còn VPF thì ra đòn vội. Ảnh: XUÂN HUY

Tôi cho rằng vấn đề này không thể giải quyết được bằng một nghị quyết đơn phương của LĐBĐ VN hoặc VPF mà không có sự đồng thuận từ AVG - đơn vị đang nắm bản quyền truyền thông 20 năm theo hợp đồng đã ký với LĐBĐ VN.

Qua đó LĐBĐ VN phải có trách nhiệm xác định rõ quyền sở hữu đối với các giải bóng đá thuộc về LĐBĐ VN thì VPF phải tuân thủ theo thỏa thuận đã ký giữa LĐBĐ VN với AVG.

Còn nếu quyền sở hữu được chuyển cho VPF hoặc LĐBĐ VN và VPF là đồng sở hữu thì cần phải xem lại hợp đồng giữa LĐBĐ VN và AVG có cho phép việc chuyển giao này hay không, hoặc nếu cho phép thì bên kế thừa hoặc chủ sở hữu mới, tức VPF có trách nhiệm như thế nào đối với hợp đồng này.

Trên nguyên tắc VPF vẫn phải tôn trọng hợp đồng đã được ký kết giữa AVG và LĐBĐ VN, trừ phi hợp đồng đó bị hủy bỏ, bị chấm dứt trước thời hạn bởi một trong các bên (LĐBĐ VN hay AVG) hoặc bị tòa án tuyên bố vô hiệu theo quy định của pháp luật. Tuy vậy trong trường hợp vô hiệu, ngoài các căn cứ tuyên vô hiệu như một hợp đồng kinh tế thông thường, pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định nào xác định các căn cứ riêng biệt cho trường hợp này để có thể tuyên hợp đồng vô hiệu.

Bàn thêm dưới góc độ của Luật Cạnh tranh

Luật sư Quang cho biết thêm xét dưới góc độ của Luật Cạnh tranh, cũng cần xem xét thời hạn độc quyền của AVG là 20 năm có hợp lý hay không? Có ảnh hưởng đến người tiêu dùng, khán giả mộ điệu bóng đá Việt Nam và các đối thủ cạnh tranh như VTV cùng các đài khác hay không? Điều đó liên quan đến việc khai thác thương quyền của các giải bóng đá tại Việt Nam.

Ở các nước phát triển như Liên minh châu Âu (EU), các thỏa thuận độc quyền liên quan đến việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ thường chỉ được miễn trừ với điều kiện phải có thời hạn xác định và không quá năm năm. Quy định này hợp lý bảo vệ người tiêu dùng cũng như môi trường cạnh tranh không bị lệch lạc bởi một doanh nghiệp duy trì độc quyền quá lâu. Tuy nhiên, hiện nay,quy định về Luật Cạnh tranh của Việt Nam chưa có giới hạn như vậy.

TẤN PHƯỚC ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm