Bóng đá Việt Nam đứng ở đâu?

Nó không chỉ là kết quả của trận đấu mà hình thành từ tác phong sinh hoạt, tập luyện và cách ứng xử trên sân cỏ của cầu thủ.

Xem trận U-23 Việt Nam thua nhẹ U-23 Nhật 0-2, cứ thấy tội nghiệp cho học trò của ông Miura chỉ biết phá bóng và khi cần thì phá giò đối phương để ngăn chặn các đợt tấn công.

Không hẳn cầu thủ Việt Nam có chủ ý dùng mọi cách hạn chế sức mạnh của đối thủ, kể cả bằng tiểu xảo mà cái chính là ngay từ đầu ông Miura đã xác định rõ một trận thua và chỉ mong thua ít.

Cách tính của ông Miura ở vòng loại U-23 châu Á với sức ép phải đứng nhì bảng khác hẳn với một năm trước khi không chịu áp lực tại đấu trường Asiad đã giúp học trò thắng oanh liệt Olympic Iran 4-1.

Thực chất U-23 Việt Nam thua đội mạnh như Nhật chẳng có gì đáng xấu hổ bởi mình còn có cái để học hỏi. Cũng như việc thắng U-23 Malaysia èo uột khi phải chia lửa cho một đội U-23 khác chuẩn bị SEA Games thì không cần phải tung hô như cái cách của một số người trong cuộc… tự sướng.

Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức gọi trận thắng U-23 Malaysia là bình thường, chẳng nói lên điều gì cả, khác hẳn với ông chủ tịch tự đắc U-23 Việt Nam chấp ba tuổi và chấp luôn cả thời gian huấn luyện so với đối phương.

Vấn đề là cách xác định vị thế của U-23 Việt Nam ở đâu và cái đích đến thế nào chứ không phải là một tư tưởng thỏa mãn sau một trận thắng. Ví như bầu Đức nói rất thực tế là làm sao phải vô địch SEA Games bằng thực lực của mình mà không chờ ăn may thì sau đó muốn đi xa hơn kiểu gì thì… tính sau.

 CÔNG TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm