Trung Quốc muốn lập lá chắn tên lửa?

Báo chí Trung Quốc ngày 28-1 đưa tin hôm trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận đã thử nghiệm công nghệ đánh chặn tên lửa đang bay trên lãnh thổ Trung Quốc.

Vụ thử nghiệm được thực hiện ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Tên lửa đánh chặn gồm một tên lửa đẩy lớn và một đầu đạn đánh chặn được thiết kế như tên lửa cỡ nhỏ. Đầu đạn đánh chặn có trang bị hệ thống dò tìm và nhận dạng mục tiêu.

Theo hãng tin UPI (Mỹ), tên lửa bị đánh chặn là tên lửa tầm trung. Vụ thử nghiệm bao gồm các công nghệ phức tạp liên quan đến phát hiện, theo dõi và tiêu diệt tên lửa đạn đạo đang bay.

Đây là lần thứ hai Bắc Kinh tiến hành thử nghiệm đánh chặn tên lửa sau lần thử đầu tiên vào ngày 11-1-2010. Trước Trung Quốc chỉ có Mỹ và Nhật từng thử nghiệm thành công công nghệ đánh chặn tên lửa tầm trung.

Hãng tin Reuters ghi nhận gần đây, các phát biểu của các quan chức Bộ Quốc phòng Trung Quốc và các tài liệu cho thấy Trung Quốc mong muốn phát triển công nghệ chống tên lửa là một trong những trọng tâm trong chi tiêu quốc phòng.

Theo Reuters, dù Bộ Quốc phòng Trung Quốc không tiết lộ thông tin chi tiết về vụ thử nghiệm nhưng các chuyên gia vũ khí nhận định có thể Bắc Kinh nhắm đến mục tiêu xây dựng lá chắn tên lửa có khả năng ngăn chặn các đầu đạn như tên lửa đạn đạo bay vào không phận Trung Quốc.

Báo The Washington Free Beacon (Mỹ) dẫn nguồn từ các quan chức Mỹ nhận định vụ thử nghiệm tên lửa đánh chặn của Trung Quốc có thể liên quan đến chương trình bí mật phát triển vũ khí tìm diệt vệ tinh nhằm vào các vệ tinh liên lạc quân sự và vệ tinh dẫn đường của Mỹ.

Báo dẫn lời chuyên gia Richard Fisher ở Trung tâm Chiến lược và thẩm định quốc tế (Mỹ) cho biết tên lửa đánh chặn trong vụ thử nghiệm của Trung Quốc có thể là tên lửa diệt vệ tinh SC-19 được cải tiến thành tên lửa mang đầu đạn đánh chặn hoặc một loại tên lửa hoàn toàn mới.

Trước đó, báo chí Trung Quốc đưa tin ngày 26-1, không quân Trung Quốc đã thử nghiệm máy bay vận tải Y-20 tại trung tâm thử nghiệm bay ở tỉnh Thiểm Tây. Máy bay dài 47 m, sải cánh dài 50 m, có tải trọng tối đa 66 tấn, có thể bay liên tục 44.000 km.

Đây là máy bay vận tải lớn nhất từ trước đến nay do Trung Quốc chế tạo. Máy bay Y-20 có thể chở xe tăng Type-99A2 nặng nhất của quân đội Trung Quốc (58 tấn). Hãng tin AP ghi nhận máy bay Y-20 có thể được sử dụng để vận chuyển xe tăng và binh lính đến các khu vực đồi núi hiểm trở như Tây Tạng sát biên giới Ấn Độ.

??i C?ng b?oĐại Công báo (Hong Kong) nhận định máy bay vận tải Y-20 có tầm quan trọng chiến lược hơn cả máy bay tàng hình J-20 và tàu sân bay. Lý do: Máy bay Y-20 cải thiện khả năng triển khai quân sự nhanh chóng, tăng cường hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm, tiếp nhiên liệu trên không và chống tàu ngầm.

GS Lương Phương ở ĐH Quốc phòng Trung Quốc nhận định quân đội Trung Quốc sẽ sử dụng các máy bay vận tải hạng nặng như Y-20 để bảo vệ lợi ích quốc gia ở nước ngoài.

Ấn Độ bắn thử tên lửa từ tàu ngầm

Báo The Hindu (Ấn Độ) đưa tin ngày 27-1, Ấn Độ đã phóng thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo tầm trung K-15 từ bệ phóng trên thuyền phao chìm (ảnh) ngoài khơi TP Visakhapatnam (bang Andhra Pradesh) trên vịnh Bengal. Tên lửa đạt độ cao 20 km, bay xa 700 km, sau đó rơi xuống biển gần mục tiêu đã định.

Trung Quốc muốn lập lá chắn tên lửa? ảnh 1

Tên lửa K-15 do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) phát triển, đã được phóng thử nghiệm 11 lần. Tên lửa có hai tầng, cao 10 m, có thể mang một đầu đạn hạt nhân nặng một tấn, đạt tầm bắn đến 1.500 km. Giám đốc DRDO V.K. Saraswat, cố vấn khoa học của bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, nhận định vụ bắn thử tên lửa K-15 đã đạt được toàn bộ mục tiêu đề ra.

Ấn Độ là nước thứ năm trên thế giới sở hữu tên lửa bắn từ tàu ngầm cùng với Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc. Dự kiến Ấn Độ sẽ trang bị tên lửa K-15 cho tàu ngầm hạt nhân INS Arihan do Ấn Độ sản xuất. Tàu ngầm nặng 6.000 tấn được thiết kế mang 12 tên lửa K-15.

Báo The Telegraph (Ấn Độ) ghi nhận K-15 là tên lửa hoạt động dưới nước đầu tiên do Ấn Độ phát triển hoàn chỉnh. Ngoài K-15, Ấn Độ đang phát triển tên lửa K-4 đạt tầm bắn 3.000 km và hai loại khác đạt tầm bắn 750 km và 290 km.

ĐĂNG KHOA

DUY KHANG - THẠCH ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm