Tỉ phú muốn mua quần đảo làm nhà cho người tị nạn

Đó là ông Naguib Sawiris, tỉ phú ngành công nghiệp truyền hình Ai Cập. Đây không phải là những lời nói “suông”, ông khẳng định mình đã gửi kiến nghị này tới Rome và Athens.
“Bạn có hàng chục quần đảo đang bỏ hoang và có thể chứa được hàng trăm người tị nạn” – AFP dẫn lời tỉ phú Ai Cập cho biết và gọi ý tưởng này là “khả thi”. Tuy nhiên, ông Sawiris thừa nhận rằng dự án của ông có thể gặp trở ngại bởi vấn đề pháp lý như các vấn đề về quy định hải quan và quyền hạn.

Theo ước tính của ông Sawis, một quần đảo có giá dao động từ 10 triệu USD tới 100 triệu USD, nhưng trước khi dự án này trở thành hiện thực, thì cần phải “đầu tư” hơn nữa bằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố, chuẩn bị cho những người di cư tới đây.

“Sẽ có nơi trú ẩn tạm thời cho mọi người, sau đó bạn sẽ thuê người tới xây dựng nhà cửa, trường học, bệnh viện. Và nếu tình hình tiến triển hơn, bất cứ ai muốn trở về quê hương đều có thể về” – ông nói.

 Hòn đỏa Kastelorizo, phía đông nam Hy Lạp (Ảnh: Reuters)

Tỉ phú Sawis đã lên án những điều kiện của chính quyền Ý và Hy Lạp đối với người tị nạn và người nhập cư khi họ đi đến các bờ biển của đất nước. Ông cho hay khi sống trên hòn đảo mới này, những người tị nạn sẽ được đối xử như “con người”. Ông tuyên bố rằng “họ đang bị đối xử như súc vật”.

Đề xuất này của tỉ phú Sawis đưa ra trước sự phản đối kịch liệt của dư luận trước thảm kịch mất mạng của người di cư, họ là những người luôn đối mặt với nguy hiểm khi cố băng qua Địa Trung Hải để tới châu Âu.

Bức ảnh về những đứa trẻ chết đuối trôi giạt trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ và Libya khiến nhiều người nhói lòng và gây ra cuộc tranh cãi rộng lớn. 

Ý tưởng nhân văn của ông trùm truyền thông Sawis đã nhận được những phản ứng tích cực trên các phương tiện truyền thông xã hội. Nhiều người đã ủng hộ ông về mặt tinh thần, trong khi những người khác ngỏ ý sẽ giúp đỡ bằng chính tay nghề của họ và không nề hà chuyện lao động chân tay để dự án được vận hành.

Tuy vậy vẫn có nhiều ý kiến trái chiều khi chỉ ra rằng nếu mua một quần đảo nào đó ở châu Phi thì có ý nghĩa hơn nhiều và chi phí cho mọi người ở đó cũng rẻ hơn. Ngoài ra, nhiều người còn đề xuất thay vì mua đảo, nên mua một phần sa mạc ở Ai Cập để thiết lập các khu trại cho người tị nạn.
Kể từ đầu năm nay, hơn 350.000 người đã vượt biển Địa Trung Hải để tới châu Âu, mong thoát khỏi các trận bạo động và nghèo đói nơi quê nhà. Theo ước tính của tổ chức di cư quốc tế (IOM), ít nhất 2.600 người thiệt mạng trong các cuộc tị nạn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm