Thế giới qua biếm họa quốc tế: 2012 - năm bầu cử và xung đột

Năm bầu cử quan trọng

Tổng thống Mỹ Obama đã đánh bại ứng cử viên Mitt Romney để tái đắc cử (6-11). Tại Nga, ông Vladimir Putin trở lại điện Kremlin sau nhiệm kỳ làm thủ tướng (4-3) và là lần thứ ba giữ chức tổng thống. Trong cuộc chuyển giao quyền lực tại Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã được bầu làm tổng bí thư (15-11).

Tại Pháp, ông François Hollande trở thành tổng thống đầu tiên của đảng Xã hội (6-5) 17 năm sau Tổng thống François Mitterrand. Tại Nhật, đảng Dân chủ tự do (bảo thủ) trở lại cầm quyền đưa ông Shinzo Abe trở thành thủ tướng (16-12). Đặc biệt lần đầu tiên cử tri Hàn Quốc đã bầu nữ tổng thống-bà Park Geun-hye (19-12).

Nội chiến và xung đột

Nội chiến đẫm máu ở Syria đã lan sang Iraq, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ. NATO phải triển khai tên lửa Patriot dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Somalia, Yemen và CHDC Congo tiếp tục rơi vào vòng xoáy bất ổn do phiến quân gây ra trong khi Mali có nguy cơ trở thành hang ổ mới của Al Qaeda.

Trong khi đó ngày 21-9, Mỹ thông báo sẽ rút hết quân khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014. Trong năm 2012, liên quân đã bị tổn thất nghiêm trọng do bộ phim báng bổ Hồi giáo của Mỹ đã gây làn sóng phẫn nộ tại nhiều nước Hồi giáo.

Thế giới qua biếm họa quốc tế: 2012 - năm bầu cử và xung đột ảnh 1

Obama - Nhân vật của năm 2012 trên báo Time- và thách thức khủng hoảng kinh tế. Ảnh: DARIO CASTILLEJOS, báoEl Imparcial (Mexico)

Thế giới qua biếm họa quốc tế: 2012 - năm bầu cử và xung đột ảnh 2

Bóng ma thần chết ở Syria. Ảnh: EMAD HAJJAJ (Jordan)

Thế giới qua biếm họa quốc tế: 2012 - năm bầu cử và xung đột ảnh 3

Cú nốc ao của Palestine với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: OSAMA HAJJAJ, trang web ABU MAHJOOB CREATIVE PRODUCTIONS

Thế giới qua biếm họa quốc tế: 2012 - năm bầu cử và xung đột ảnh 4

Tây Ban Nha và Liên minh châu Âu. Ảnh: HAJO DE REIJGER, báo The Netherlands (Hà Lan)

Bất đồng và trừng phạt

Sự kiện CHDCND Triều Tiên phóng vệ tinh (12-12) đã gây phản ứng đối phó dây chuyền ở nhiều nước bởi các nước cho rằng Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo trá hình. Iran và chương trình hạt nhân đứng đầu các vấn đề bế tắc ngoại giao trong năm 2012.

Tại Trung Đông, Palestine đã đạt được thắng lợi lịch sử sau khi Đại hội đồng LHQ nhất trí trao cho Palestine tư cách nhà nước quan sát viên không thành viên của LHQ (29-11). Israel tuyên bố xây dựng 3.000 căn nhà để trả đũa.

Cắt giảm và giải cứu

Khu vực đồng euro vẫn vật vã với khủng hoảng kinh tế. Các nước trong khu vực tiếp tục cắt giảm chi tiêu nhằm cân bằng ngân sách trong bối cảnh biểu tình phản đối thắt lưng buộc bụng diễn ra thường xuyên. Điều may mắn là Hy Lạp đã được các chủ nợ quốc tế xóa nợ và giải cứu để tránh phá sản. Sau Hy Lạp, đến lượt Tây Ban Nha và Ý trở thành mối quan tâm lớn của châu Âu.

Căng thẳng biển, đảo

Vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo đã gia tăng mức độ căng thẳng trong năm 2012 giữa Trung Quốc với Đông Nam Á về vấn đề biển Đông, giữa Trung Quốc với Nhật về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, giữa Nhật với Hàn Quốc về quần đảo Takeshima/Dokdo. Làn sóng biểu tình cực đoan ở Trung Quốc đã gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho Nhật.

Đặc biệt về vấn đề biển Đông, các nước ASEAN và quốc tế đều kêu gọi giải quyết vấn đề tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển và các điều ước khu vực.

Nhìn lại động thái của Trung Quốc liên quan đến “đường lưỡi bò”, GS danh dự Carlyle A. Thayer ở ĐH New South Wale (Học viện Quốc phòng Úc) đã trả lời báo Pháp Luật TP.HCMnhư sau:

“Cộng đồng quốc tế cần duy trì áp lực liên tục lên Trung Quốc để làm rõ chính xác ý định của Trung Quốc thông qua bản đồ đường chín vạch. Thêm vào đó, cộng đồng quốc tế phải gây áp lực ngoại giao lên Trung Quốc nhằm buộc Bắc Kinh tôn trọng triệt để luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực… Việt Nam và Philippines cần phát triển lực lượng cảnh sát biển hiệu quả để phát huy chủ quyền. Nếu phản ứng theo cách cứng rắn và hợp pháp, Việt Nam và Philippines bảo đảm sẽ được cộng đồng quốc tế ủng hộ”.

DUY KHANG

ĐĂNG KHOA - DUY KHANG - H.DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm