Thái Lan: Lãnh đạo biểu tình đòi bắt thủ tướng

Ngày 11-12 tại thủ đô Bangkok, Bộ Tài chính đã mở cửa làm việc trở lại sau 14 ngày bị những người biểu tình chiếm cứ. Thông tấn xã Thái Lan đưa tin Bộ Nội vụ vẫn phải đóng cửa vì những người biểu tình còn đang phong tỏa.

Cùng ngày, phát biểu với báo giới trước tòa nhà chính phủ, lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban cho biết Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân muốn tổ chức cuộc họp với tổng tư lệnh quân đội cũng như tư lệnh của không quân, hải quân, lục quân và giám đốc cảnh sát quốc gia vào ngày 12-12. Mục đích cuộc họp nhằm giải thích các mục tiêu cải cách quốc gia của ủy ban nêu trên.

Đêm hôm trước, phát biểu với những người biểu tình trước tòa nhà chính phủ, lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố do Thủ tướng Yingluck Shinawatra không từ chức trong vòng 24 tiếng theo yêu cầu nên ông ra lệnh cho những người biểu tình bám sát hoạt động của các thành viên trong gia tộc Shinawatra cùng các bộ trưởng và bày tỏ thái độ phản đối một cách ôn hòa.

Thái Lan: Lãnh đạo biểu tình đòi bắt thủ tướng ảnh 1

Những người biểu tình ở tượng đài Dân chủ tại Bangkok ngày 11-12. Ảnh: REUTERS

Ông đề nghị lực lượng cảnh sát phải quay về doanh trại và giao nhiệm vụ giữ gìn an ninh tại các cơ quan chính phủ cho quân đội. Ông yêu cầu cảnh sát bắt giữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra về tội phản quốc vì bà đã không tuân theo yêu cầu của Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân.

Người phát ngôn Trung tâm Quản lý hòa bình và trật tự khẳng định cảnh sát vẫn làm việc như bình thường chứ không rút khỏi các cơ quan chính phủ. Người phát ngôn nói người biểu tình không có quyền ra lệnh.

Ngày 11-12, Chủ tịch Mặt trận Thống nhất dân chủ chống độc tài Tida Tawornseth đã chỉ trích các mệnh lệnh của lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban là “ngớ ngẩn” và “tâm thần”. Bà nói ông Suthep Thaugsuban tưởng rằng ông đã giành được quyền lực nhưng quyền lực đó là phi pháp và đặt ra tiền lệ xấu.

Trả lời hãng tin Reuters, ông Jatuporn Promphan, một nhân vật lãnh đạo Mặt trận Thống nhất dân chủ chống độc tài, cảnh báo khi người biểu tình áo đỏ xuống đường bảo vệ chính phủ thì sẽ quy tụ hàng triệu người.

Đảng Pheu Thai (cầm quyền) đã đệ đơn lên Cục Điều tra đặc biệt đề nghị khởi tố lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban về tội xâm phạm quyền lực của quốc vương vì kích động người dân biểu tình đòi thay đổi hệ thống cầm quyền.

Đảng Pheu Thai cũng đề nghị Ủy ban Bầu cử quốc gia giải thể đảng Dân chủ (đối lập) vì phá hoại dân chủ.

Báo The Nation (Thái Lan) đưa tin hôm 10-12, 22 học giả thuộc tổ chức Hội đồng Bảo vệ dân chủ ra tuyên bố cảnh báo Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân của ông Suthep Thaugsuban hành động chẳng khác gì âm mưu đảo chính và có thể dẫn đến nội chiến.

Tuyên bố khẳng định đề xuất của Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân về việc thành lập hội đồng nhân dân và quốc vương bổ nhiệm thủ tướng là trái hiến pháp.
Giảng viên Worajet Pakeerut ở khoa Luật Đại học Thammasat (Bangkok) chỉ trích một số hiệu trưởng là vô liêm sỉ khi lên tiếng ủng hộ Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân. Ông nói các hiệu trưởng này làm như vậy vì lợi ích riêng (muốn được bổ nhiệm vào hội đồng nhân dân nếu hội đồng này được thành lập).

Phát biểu trên truyền hình ngày 11-12, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul cho biết trong những ngày qua, nhiều nước trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Canada, New Zealand, Úc đã bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng chính trị sẽ leo thang. Các nước mong muốn chính phủ đối thoại với phe đối lập để tìm giải pháp giải quyết xung đột. Các nước ủng hộ quyết định giải tán Hạ viện và tổ chức bầu cử sớm.

LÊ LINH
Chia sẻ lên LinkHay.com Email In [+]Cỡ chữ[-]

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm