Tai nạn máy bay A320 ở Pháp: Chưa tìm thấy thi thể nào nguyên vẹn

“Chúng tôi chưa tìm thấy thi thể nào còn nguyên vẹn”. Đại tá Patrick Touron, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu hình sự hiến binh quốc gia Pháp, khẳng định như trên tại cuộc họp báo chiều 27-3 (giờ địa phương) ở làng Seyne-les-Alpes gần hiện trường tai nạn máy bay Airbus A320.

Cực nhọc tìm kiếm các thi thể

Máy bay Airbus A320 của hãng hàng không Đức Germanwings (chi nhánh của hãng Lufthansa) bay tuyến Barcelona (Tây Ban Nha)-Dusseldorf (Đức) đã đâm vào núi ở tỉnh Alpes-de-Haute-Provence (Pháp) hôm 24-3 làm 150 người thiệt mạng.

Trả lời phỏng vấn báo Le Point (Pháp), Đại tá Patrick Touron cho biết máy bay đâm vào núi với vận tốc đến 600 km/giờ, bởi thế các thi thể không còn nguyên vẹn mà văng thành nhiều mảnh. Do đó ADN sẽ là yếu tố quan trọng trong công tác nhận dạng tử thi.

Ông cho biết công tác thu thập các thi thể diễn ra trong điều kiện hết sức khó khăn. Hiện trường là sườn núi dốc đứng, cấu tạo địa hình đất sét vôi tương tự mặt đường rải sỏi nhỏ, người bước trên đó rất dễ bị trượt.

Đến nay các điều tra viên phải đu dây đưa lên máy bay trực thăng chở về được từ 400 đến 600 phần thi thể. Đất đá sụt lở cũng đã lấp đi một số bộ phận thi thể.

Tại hiện trường đang có 50 người của Viện nghiên cứu hình sự hiến binh quốc gia. Viện đã điều động đến gần hiện trường một dây chuyền pháp y khẩn cấp. Dự kiến công việc thu hồi và lấy mẫu phải mất từ 15 ngày đến ba tuần.

Lực lượng cứu hộ của Pháp tiếp tục đưa các phần ti thể về để lấy mẫu ADN. Ảnh: REUTERS

Theo Đại tá Patrick Touron, khó khăn lớn nhất là công tác lấy mẫu dấu chỉ sinh học vì điều kiện thời tiết không thuận lợi. Dù vậy, ông nghĩ rằng có khả năng nhận dạng toàn bộ 150 nạn nhân.

Quy trình nhận dạng các nạn nhân sẽ bắt đầu khi các điều tra viên thu thập đầy đủ mẫu. Đến giờ này thì chưa có bất kỳ thông tin gì về đối chiếu ADN để nhận dạng nạn nhân.

Căn cứ quy trình hỗ trợ cảnh sát và tư pháp của Tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol), Tây Ban Nha sẽ phải chuyển ADN của 50 nạn nhân người Tây Ban Nha và Đức phải chuyển ADN của 75 nạn nhân Đức cho Pháp. Các điều tra viên Đức đã chuyển đến Pháp một máy đọc dữ liệu sinh trắc học.

Lấy mẫu chuẩn bị xác định ADN

Đại tá Patrick Touron giải thích lực lượng được chia thành hai nhóm. Một nhóm làm việc tại trụ sở Viện nghiên cứu hình sự hiến binh quốc gia tại Rosny-sous-Bois ở ngoại ô thủ đô Paris.

Nhóm này có nhiệm vụ tiếp xúc với các bác sĩ gia đình hay nha sĩ của các nạn nhân để thu thập thông tin, đồng thời tiếp xúc với thân nhân các nạn nhân để thu thập mẫu ADN. Mục đích nhằm so sánh với ADN lấy từ hiện trường.

Nhóm thứ hai làm việc tại hiện trường với hai công đoạn:

- Đầu tiên là thu thập tất cả dấu chỉ sinh học hay bộ phận thi thể cho vào túi riêng biệt. Viện nghiên cứu hình sự hiến binh quốc gia đã điều động 10 chuyên viên kỹ thuật, 10 chuyên viên tai nạn vùng núi (hiến binh hoặc cảnh sát) và sáu chuyên viên chuyên tìm kiếm khoang máy bay có sáu chuyên viên cứu nạn vùng núi hỗ trợ.

- Kế tiếp là nhận dạng ban đầu. Bác sĩ pháp y sẽ xem xét các bộ phận thi thể xem có đặc điểm nào để lấy mẫu như vết xăm, vết mổ, bộ phận giả. Nha sĩ pháp y sẽ chụp ảnh răng. Các điều tra viên cũng lấy dấu vân tay và ADN của từng bộ phận sinh học. Cuối cùng là tìm kiếm quần áo, đồ trang sức, giấy tờ và các dấu chỉ nhận dạng khác.

Mối tình phi công yêu tiếp viên

Kết quả phân tích hộp đen ghi âm buồng lái cho thấy khi cơ trưởng buồng lái ra ngoài đi vệ sinh, phi công phụ Andreas Lubitz đã khóa chốt buồng lái rồi cố tình nhấn nút giảm độ cao để máy bay đâm thẳng vào núi.

Trả lời báo Bild của Đức phát hành ngày 28-3, cô tiếp viên hàng không Maria W. (tên giả), 26 tuổi, người tình cũ của phi công phụ Andreas Lubitz, cho biết khi hay tin tai nạn máy bay A320, lập tức cô nhớ Andreas Lubitz có lần đã nói: “Một ngày nào đó anh sẽ làm điều gì đó thay đổi cả guồng máy này. Rồi mọi người sẽ biết tên anh và nhớ đến cái tên đó”.

Cô khẳng định Andreas Lubitz muốn máy bay rơi bởi bản thân có vấn đề về sức khỏe, giấc mơ lớn làm việc cho hãng Lufthansa tan vỡ, khát vọng trở thành cơ trưởng hay phi công lái máy bay đường dài không thành hiện thực.

Cô nhận xét Andreas Lubitz là con người dễ thương, cởi mở trong chuyến bay, dịu dàng trong đời tư và là người cần tình yêu. Tuy nhiên, cô phải chia tay với Andreas Lubitz vì anh này ngày càng bộc lộ rõ có vấn đề trục trặc cá nhân.

Cô cho biết khi nói về công việc thì Andreas Lubitz trở thành con người khác, cằn nhằn điều kiện làm việc không đủ tiền, lo sợ hợp đồng lao động và quá nhiều áp lực. Andreas Lubitz hay quát mắng nặng lời. Ban đêm anh này thường hay gặp ác mộng. Có lần anh ta đang ngủ bất chợt vùng dậy hét lên: “Chúng ta bị rơi rồi”.

Báo Bild cho biết quan hệ giữa cô người tình với Andreas Lubitz là quan hệ không chính thức và họ đã bay chung trong thời gian năm tháng hồi năm ngoái trên các chuyến bay châu Âu.

Ngày 27-3, Tập đoàn Lufthansa (tập đoàn mẹ của hãng hàng không giá rẻ Germanwings) thông báo chỉ định một phi công trưởng phụ trách an ninh làm nhiệm vụ xem xét và củng cố quy trình bảo đảm an ninh hàng không. Người phụ trách vị trí mới này sẽ báo cáo trực tiếp với ông Carsten Spohr, chủ tập đoàn. Tập đoàn cũng ban hành quy định từ nay lúc nào cũng phải có hai người túc trực trong buồng lái. Cùng ngày, hãng Germanwings thông báo sẽ trợ cấp cho gia đình mỗi nạn nhân 50.000 euro để chi dùng trước mắt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm