Sẽ có động đất liên hoàn tàn phá gấp 32 lần 'ác mộng' Nepal?

Cơn ác mộng được báo trước

Sẽ có động đất liên hoàn tàn phá gấp 32 lần 'ác mộng' Nepal? ảnh 1
Cơn ác mộng động đất tại Nepal đã gây nên hàng ngàn thương vong

Theo tờ India Times, các chuyên gia hồi đầu tuần qua đã dự đoán rằng Nepal chuẩn bị đón nhận một cơn dộng đất vô cùng khủng khiếp. Vào hồi tháng 2-2014, các chuyên gia cũng đã dự đoán sẽ có một cơn địa chấn xảy ra trên mảng địa chất Ấn Độ khi phân tích các vết rạn nứt địa chất tại khu vực.

Thậm chí một nhóm khoa học gia đã đến thủ đô Kathmandu của “nóc nhà thế giới” để lập một kế hoạch cứu người dân tại thành phố này. Thế nhưng, họ lại không thể ngờ rằng cơn ác mộng lại ập đến quá nhanh, chỉ bảy ngày sau khi họ đến được thủ đô Nepal. Các chuyên gia thống kê, vụ động đất lần này có sức tàn phá lớn thứ năm trong vòng 205 năm qua tại Kathmandu.

Sẽ có một cơn động đất tàn phá gấp 32 lần

Sẽ có động đất liên hoàn tàn phá gấp 32 lần 'ác mộng' Nepal? ảnh 2
Các mảng địa chất hiện đang có nhiều biến động

Theo ông Harsh K Gupta (nguyên giám đốc Viện nghiên cứu Địa chất Quốc gia tại Hyderabad), cơn ác mộng tại Nepal tuần qua chỉ mới là “phần nổi của tảng băng”. Ông cho rằng cơn địa chấn tại Nepal vẫn chưa giải phóng hết tất cả năng lượng hiện đang dồn nén tại khu vực.

Các chuyên gia cho rằng cơn động đất vừa qua tại Nepal có sức công phá tương đương 100 triệu tấn thuốc nổ TNT. Nhưng sức công phá này chỉ bằng 5% số năng lượng đang bị dồn nén. Nói nôm na, vẫn còn “hàng tỷ tấn thuốc nổ” chưa được giải phóng hết khỏi mảng địa chất khu vực.
Trả lời tờ India Express, ông Gupta dự đoán: “Mảng địa chất khu vực này vẫn đang bị dồn nén rất lớn. Nhiều khả năng sẽ xảy ra thêm một cơn động đất lớn, thậm chí là một chuỗi các vụ động đất, với mức cao hơn 8 độ Richter.”

Trong khi đó, nhà khoa học Sankar Kumar Nath tại học viện IIT Kharagpur lo sợ một cơn địa chấn lên đến 9 độ Richter nhiều khả năng sẽ bất ngờ xuất hiện. Trả lời tờ Indian Express, ông khẳng định rằng:

“Thà có một vài cơn động đất 7.9 độ Richter (tương tự vụ động đất tại Nepal – ND) còn hơn phải đương đầu với một cơn động đất lên đến 9 độ Richter. Khi đó mới thật sự là thảm họa”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm