Quan tham lắm trọng bệnh

Martins, vị bác sĩ Brazil, đã chủ trì một công trình nghiên cứu xã hội học hết sức thú vị. Ông thực hiện đối chiếu kéo dài tới 10 năm giữa hai hạng người: nhóm A gồm 583 tên quan lại tham nhũng và nhóm B gồm 583 vị quan thanh liêm đạo cao đức trọng. Kết quả, ông phát hiện nhóm quan lại tham nhũng có tới 60% mắc những căn bệnh trầm kha và thường vĩnh biệt thế giới trần tục này sớm hơn người bình thường. Đại bộ phận trong bọn họ mắc các chứng nan y như ung thư, nhồi máu cơ tim, tràn máu não và chứng dị ứng... Bác sĩ Martins còn chứng minh được rằng trong số 583 vị quan tham này có tới 70% mang trạng thái tâm lý vô cùng tồi tệ, phải thường xuyên uống thuốc an thần.

Quan tham lắm trọng bệnh ảnh 1

Quan tham luôn trong trạng thái tâm lý rối bời. Ảnh minh họa: INTERNET

Không khó đoán tại sao họ lại xui xẻo đến vậy. Bản thân quan tham cũng biết hành vi tham ô, nhận hối lộ của mình là vi phạm chuẩn mực luân lý đạo đức và luật pháp không dung tha. Dù có “mặt trơ trán bóng”, lì lợm “coi trời bằng nắp ca” đến mấy thì sau mỗi lần “thụt két”, nhận hối lộ, họ đều ít nhiều cảm thấy lương tâm cắn rứt, tự xấu hổ với chính mình. “Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt”. Hành vi xảo quyệt dù có che đậy tinh vi đến mấy thì một khi “cháy nhà lòi ra mặt chuột”, họ sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng, người thân và bạn bè phỉ nhổ. Nghĩ tới đó, họ lại lạnh sống lưng “ngực đập chân run”. Bởi vậy, những người này luôn trong trạng thái “thần kinh căng tựa dây đờn”, tâm lý luôn rối bời canh hẹ.

Cứ mỗi khi cơ quan chính pháp xiết chặt kỷ cương, mở đợt thanh tra, tăng cường chống tham nhũng thì bọn họ thót tim, cuống cuồng như kiến trong chảo nóng. Suốt ngày họ nơm nớp lo sợ, đêm nào cũng gặp cơn ác mộng, giật mình tỉnh dậy toát mồ hôi hột. Họ luôn trong trạng thái “thần tính nát thần hồn” triền miên, làm tiêu tan sạch trơn sự thỏa mãn và khoái cảm về sinh lý và tâm lý do tiền tài nhơ bẩn mang lại. Kết quả, huyết áp của họ tăng cao, nội tiết hoóc-môn trong cơ thể bị rối loạn, sức đề kháng của cơ thể giảm sút. Từ đó “giậu đổ bìm leo”, nhiều loại bệnh tật sẽ đồng loạt phát sinh.

Bác sĩ Martins còn nêu ra một ví dụ điển hình: 16 vị quan chức, với độ tuổi bình quân là 41, cách đây 15 năm đều bị truất chức. Những người này bị tố cáo “lợi dụng chức vụ để tư túi, gây hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế” cho nhà nước, sau lần lượt bị xử lý ở các mức độ khác nhau. Kết quả điều tra cho hay trong số họ có một người vô tội. Ông này khỏe re, không có bệnh tật gì ráo. Còn 15 “đồng chí đã bị lộ” kia, ba năm sau hoặc bệnh tật rề rề hoặc chết tốt. Trong số sáu người chết thì bốn người chết vì ung thư, một người chết vì chứng phù khí phổi và một người chết vì tràn máu não. Trong chín người còn sống thì hai người đã bị mù, bốn người mắc chứng ung thư, hai người mang di chứng sau ca đột quỵ tràn máu não được cứu chữa kịp thời và một người mắc chứng liệt rung.

Đương nhiên, hành vi tham nhũng bẩn thỉu không trực tiếp dẫn tới bệnh tật và chết chóc, trừ trường hợp hành vi tham nhũng quá nghiêm trọng bị pháp luật trừng trị bằng án... dựa cột. Tuy nhiên, hành vi tham nhũng tạo áp lực thường xuyên đối với tâm lý, thế tất làm cho cả hai mặt tinh thần và thể chất đều bị công kích dữ dội. Loại áp lực này cuối cùng sẽ khuấy đảo, gây nhiễu đối với hệ thống thần kinh trung khu, hệ thống miễn dịch và hệ thống nội tiết của cơ thể. Từ đó, họ phát bệnh dẫn tới tử vong.

Các kết quả nghiên cứu bên Tây kể trên đáng để những quan tham coi là “tấm gương tầy liếp” để soi vào mà tĩnh tâm tỉnh ngộ, sớm lỏng tay cương, dừng vó ngựa trước bờ vực... diệt vong.

(Theo tạp chí Bác Sĩ Gia Đình Trung Quốc)

BÙI HỮU CƯỜNG

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 172)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm