Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư: Bảy lý do không bùng nổ chiến tranh

Báo Japan Daily Press (Nhật) đưa tin lúc 9 giờ sáng 18-2, cơ quan tuần duyên Nhật phát hiện ba tàu hải giám Trung Quốc (TQ) gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Động thái trên xảy ra một ngày trước chuyến thăm Bắc Kinh của Vụ trưởng Shinsuke Sugiyama (Bộ Ngoại giao Nhật).

Các nhà quan sát ghi nhận tàu hải giám TQ xuất hiện liên tục tại Senkaku/Điếu Ngư là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tạo ra “một sự kiện bình thường mới”, đồng thời chứng minh Nhật không có biện pháp quản lý hiệu quả khu vực này.

Mặc dù căng thẳng giữa TQ và Nhật xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày càng tăng nhưng hai nước sẽ không để xảy ra chiến tranh, theo nhận định của tạp chí The Diplomat (Nhật). Tạp chí nêu bảy lý do như sau:

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư: Bảy lý do không bùng nổ chiến tranh ảnh 1

Bộ Quốc phòng Nhật cho rằng tàu khu trục Yudachi (ảnh) của hải quân Nhật bị một tàu chiến Trung Quốc chiếu radar hỏa lực ngày 30-1 trên biển Hoa Đông. Ảnh: ASAHI SHIMBUN

- TQ muốn tránh viễn ảnh ác mộng nếu chiến bại và chiến bại là khả năng rất thực tế. TQ đã khép lại thế kỷ nhục nhã khi bị phương Tây và Nhật lần lượt chiếm đóng. Do đó, chiến bại sẽ trở thành nỗi nhục nhã rất lớn. Hơn nữa, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình cũng không muốn ghi danh vào lịch sử như người dẫn dắt TQ đến cuộc xung đột tai họa với Nhật.

- Kinh tế TQ-Nhật phụ thuộc chặt chẽ với nhau, để xảy ra chiến tranh sẽ là tai họa. Gói kích thích kinh tế 117 tỉ USD mà Thủ tướng Nhật Shinzo Abe mong muốn sẽ không ý nghĩa nếu TQ đóng cửa thị trường khi chiến tranh xảy ra. Ngược lại, các doanh nghiệp Nhật rút khỏi TQ sẽ khiến 5 triệu công nhân TQ thất nghiệp. Thị trường thế giới hoảng loạn do chiến tranh Trung-Nhật xảy ra càng làm suy yếu hai nước.

- Giới lãnh đạo TQ vẫn thiếu tự tin về hiệu quả của quân đội dù quân đội TQ đang được hiện đại hóa nhanh chóng. Gần đây, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương TQ Hứa Kỳ Lượng nhận định quá nhiều cuộc tập trận chỉ mang tính phô diễn. Ngoài ra quân đội TQ còn có các điểm yếu khác như nạn tham nhũng tràn lan.

- Tình hình chính trị của TQ vẫn chưa ổn định. Các chức vụ lãnh đạo quân sự lẫn dân sự ở TQ vẫn đang trong quá trình chuyển giao. Khi các lãnh đạo mới đang tìm cách củng cố vị trí, họ muốn tránh bị phân tán vì các quyết sách ngoại giao lớn như gây chiến với Nhật.

- TQ vẫn nghi ngại Mỹ can thiệp. Một số tướng tá diều hâu TQ, trong đó có Đại tá không quân Đái Húc, nghĩ rằng Mỹ sẽ can thiệp vào bất cứ xung đột nào ở châu Á nhưng suy nghĩ này quá tùy tiện.

- Chính sách của TQ là tránh đối đầu quân sự. Bằng chứng là TQ luôn tuyên bố ủng hộ các giải pháp hòa bình trong tranh chấp và chủ yếu triển khai các tàu không vũ trang hoặc chỉ trang bị vũ khí nhẹ thay vì tàu chiến hải quân.

- TQ muốn giữ hình ảnh thân thiện để tập trung phát triển kinh tế. Uy tín của TQ ở Đông Nam Á bị suy giảm do thái độ cưỡng ép của TQ trong việc xử lý tranh chấp. Nếu tiếp tục đóng vai xấu trong xung đột với Nhật, TQ sẽ bị công luận phản đối mạnh hơn.

Dự kiến trong chuyến thăm Bắc Kinh, Vụ trưởng Shinsuke Sugiyama sẽ đề cập sự cố tàu tuần tra TQ cố ý hướng radar hỏa lực vào tàu tuần duyên Nhật hôm 30-1. Trong khi đó, hãng tin Kyodo (Nhật) ngày 18-2 dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Nhật cho biết sẽ không công bố bằng chứng về vụ tàu TQ chiếu radar hướng dẫn hỏa lực vào tàu Nhật vì sẽ làm lộ hoạt động tình báo của Nhật.

THẠCH ANH - DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm