CRIMEA MUỐN SÁP NHẬP VÀO NGA

Vì sao Mỹ và EU phản đối?

Crimea sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này vào ngày 16-3. Mỹ tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý này vi phạm hiến pháp Ukraine và luật pháp quốc tế.

EU nhận định cuộc trưng cầu dân ý đi ngược với Điều 73 hiến pháp Ukraine. Điều 73 quy định chỉ có trưng cầu dân ý trên toàn quốc (chứ không phải ở địa phương) mới quyết định vấn đề thay đổi biên giới lãnh thổ Ukraine.

Điều 72 quy định trưng cầu dân ý chỉ được tổ chức sau khi Quốc hội Ukraine hoặc tổng thống Ukraine tán thành. Hơn nữa, một vấn đề chỉ được đưa ra trưng cầu dân ý khi thu thập đủ ba triệu chữ ký trên toàn quốc và tối thiểu 100.000 chữ ký ủng hộ của mỗi vùng trong ít nhất 2/3 số vùng.

Ông William Pomeranz, Phó Giám đốc Viện Kennan (Mỹ), chia sẻ với kênh truyền hình NBC Bay Area (Mỹ) rằng chiếu theo hiến pháp Ukraine, Crimea không thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý độc lập mà không tham vấn với chính phủ Ukraine.

Báo Washington Post(Mỹ) nhận định việc sáp nhập Crimea vào Nga sẽ vi phạm Thỏa thuận Budapest năm 1994. Theo thỏa thuận, Nga, Mỹ và Anh đã cam kết tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, đổi lại Ukraine chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân (chuyển các đầu đạn hạt nhân sang Nga).

Hơn nữa, theo báo Huffington Post(Mỹ), luật pháp quốc tế  không ghi nhận quyền ly khai của Crimea bởi tính toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia là nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế hiện đại. Trong khi đó, Crimea được quốc tế công nhận là một phần lãnh thổ của Ukraine.

Nếu xét về luật pháp quốc tế, theo GS Ilya Somin ở ĐH George Manson (Mỹ), chỉ một ngoại lệ được nhắc đến là quyền tự quyết. Luật pháp quốc tế ghi nhận quyền tự quyết (về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội) của các cộng đồng trong một quốc gia. Dù vậy, khái niệm quyền tự quyết chỉ liên quan đến việc tôn trọng các quyền của các cộng đồng thiểu số chứ không bao gồm quyền ly khai khỏi một quốc gia.

Một số nhà lý luận chính trị cho rằng hành động ly khai khỏi một quốc gia sẽ được chấp nhận nếu như nhằm giải quyết vấn đề một bộ phận dân chúng bị đối xử tàn ác như nhân quyền bị vi phạm. Tuy nhiên đến nay, tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với cộng đồng đa số người Nga ở Crimea chưa xảy ra.

Chuyên gia William Pomeranz nhận định thậm chí đôi khi các nước còn không công nhận biên giới mới dựa trên quyền tự quyết, như Tây Ban Nha vẫn không công nhận Kosovo là một quốc gia độc lập.

DUY KHANG - THẠCH ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm