Trung Quốc muốn lập luật riêng trên biển

Đầu tiên TQ cho phép cảnh sát biển xét tàu thuyền nước ngoài ở biển Đông. Kế tiếp TQ chỉ thị cho tàu TQ đồn trú thường trực tại bãi cạn Scarborough (Philippines).

Tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Bắc Kinh tiếp tục thách thức Tokyo bằng việc cho tàu hải giám đi lòng vòng quanh quần đảo và thỉnh thoảng cố tình vào bên trong để thử phản ứng của Nhật. Gần đây nhất là sự kiện máy bay TQ bay trên không phận quần đảo này.

Báo Philippine Daily Inquirer (Philippines) ghi nhận từ quy định xét tàu của TQ có thể thấy đây là động thái nhằm đánh động đến phần còn lại của thế giới và các nước láng giềng tranh chấp với TQ ở biển Đông. Báo cho rằng hành động ngang nhiên xét tàu ở vùng biển tranh chấp, tịch thu tàu cá và đòi bồi thường chẳng khác gì một nước bá chủ đối xử với nước chư hầu ngày xưa.

Báo nhận định TQ đã tự ý đặt ra một luật biển mới của riêng mình mà không được quốc gia láng giềng có tranh chấp đồng ý, TQ mong muốn giải thích Công ước LHQ về Luật Biển theo ý riêng có lợi cho mình đồng thời tự ý thực thi những việc này mà không có bất kỳ kiểm soát nào của cộng đồng quốc tế.

Nhiều nhà quan sát cho rằng chiến lược trỗi dậy sai lầm của Bắc Kinh tiến hành cách đây ba năm sẽ có thể được sửa chữa với một nhà lãnh đạo mới ở TQ sau đại hội đảng, tuy nhiên thực tế điều này đã không xảy ra. Báo The Wall Street Journal ghi nhận có mấy nguyên nhân.

Với tiềm lực phát triển kinh tế và quân sự, Bắc Kinh muốn chấm dứt “một thế kỷ nhục nhã” bị phương Tây xâu xé và gạt bỏ tầm ảnh hưởng của Mỹ khỏi biển Đông và vùng biển lân cận. Trong nội bộ TQ, trong khi quân đội đang gây áp lực về ngân sách hằng năm cho quân sự, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã kêu gọi chấm dứt tham nhũng trong quân đội và cổ vũ cho khẩu hiệu “hồi sinh dân tộc” để báo hiệu cho định hướng cải cách.

Biển Đông vốn là tuyến đường ngắn nhất nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Biển Đông là tuyến đường giao thương của một nửa lượng dầu được vận chuyển bằng đường biển trên thế giới. Mỹ và Ấn Độ đều có hải quân mạnh đủ để kiềm chế thái độ hung hăng và tham vọng bá quyền của TQ.

Vậy câu hỏi đặt ra là liệu điều gì sẽ xảy ra khi tàu tuần tra TQ chặn tàu tuần tra của các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền với TQ? Rất có thể sẽ xảy ra xung đột và chính sách ngoại giao chiến hạm của TQ sẽ đẩy khu vực biển Đông đến bờ vực.                                      

TRẦN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm