Trung Quốc 'chạy đua tri thức': Sáng tạo hay bắt chước?

Sự trỗi dậy về tri thức

Ngày 16-6, trong buổi hội thảo chuyên đề “Khối BRICS: Sự trỗi dậy của các cường quốc tri thức”, tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn (SCIS) thuộc đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) - Tp.HCM, PGS.TS Maximilian Mayer đến từ đại học Bon (Đức) đã trình bày sơ lược về các điểm nổi bật trong nghiên cứu và giáo dục tại các quốc gia thuộc nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Tiến sĩ Maximilian Mayer nói về nhóm BRICS trong cuộc đua tri thức (Ảnh: Hồng Hưng)

Trong buổi nói chuyện, ông nhấn mạnh rằng nhóm quốc gia này đã đạt những bước tiến lớn trong các nghiên cứu và sáng tạo. Đơn cử là chỉ trong khoảng thời gian 5-10 năm, cả 5 quốc gia này đã chen chân được vào danh sách tốp 10 quốc gia đăng ký bản quyền nhiều nhất thế giới. Trung Quốc cũng đồng thời qua mặt Nhật Bản và Đức về số lượng các công trình khoa học được đăng ký và xuất bản.

Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Brazil lọt vào tốp 10 quốc gia đăng ký bản quyền nhiều nhất thế giới năm 2013 (Biểu đồ của học giả)

Các quốc gia này cũng dần định hình đươc thế mạnh về khoa học của mình, như với Ấn Độ là ngành công nghệ thông tin, hay với Nam Phi là các công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông Mayer cũng nhận định, Trung Quốc là thành viên có bước phát triển nổi bật nhất trong nhóm quốc gia này. Tuy nhiên, nhìn chung các quốc gia này đều gặp phải những khó khăn nan giải về hệ thống giáo dục, cách thức quản lý và đầu tư nghiên cứu phát triển.

"Sáng tạo" hay "bắt chước"?

Mặc dù những thành quả từ mô hình quản lý nghiên cứu phát triển "từ trên xuống" của Trung Quốc trong những năm gần đây đã đạt được một số thành công nhất định. Chính sách tập trung hóa với chính phủ nắm vai trò trung tâm trong nghiên cứu và phát triển của Bắc Kinh cũng bắt đầu đối mặt với những giới hạn của mình.

Theo nghiên cứu của tiến sĩ Mayer, hiện vẫn chỉ có Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức là những nước thật sự thu đươc lợi nhuận từ những phát minh của mình. Trong khi đó,Trung Quốc hiện vẫn đang phải tốn tiền nhiều hơn là sinh lời từ các “phát minh” của họ.

Đại diện trường Đại học KHXH&NV tặng hoa cho diễn giả (Ảnh: Hồng Hưng)

Nghiên cứu của tiến sĩ Maximilian Mayer cho rằng sự sáng tạo tri thức của Trung Quốc lại ít mang tính chất “bản xứ”, tức là do chính các công ty và đơn vị của Trung Quốc phát hiện và xây dựng. Chủ yếu các thành quả sáng tạo lại xuất phát từ những nhân tố, công ty nước ngoài hoặc có vốn nước ngoài, chi phối đầu tư nghiên cứu của công ty, tại Trung Quốc.

Nền giáo dục của Trung Quốc đang đứng trước nhiều đòi hỏi cải cách, đặc biệt là về triết lý giáo dục.Các nhà tuyển dụng đánh giá rằng những nhân viên người Trung Quốc không có được sự sáng tạo tương đương với những đồng nghiệp khác. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng chính triết lý giáo dục Nho giáo và Khổng giáo đang ngăn cản sự tự do sáng tạo của người học.

Trung Quốc tốn tiền nhiều hơn là sinh lời từ các đăng ký bản quyền của họ (Biểu đồ của học giả)

Không những thế, nhận định liệu nền tảng nghiên cứu của Trung Quốc đã thoát khỏi cái bóng “bắt chước” và đi lên thành “sáng tạo” thực chất, tạo ra những giá trị và thị trường hoàn toàn mới, hay chưa vẫn còn nhiều tranh cãi. Một trong những quan tâm lớn nhất của giới học giả Đức khi bàn luận về Trung Quốc là vấn nạn ăn cắp các bí mật khoa học công nghệ thông qua các chương trình hợp tác sản xuất.

Trong 5-10 năm tới, những trường đại học của Trung Quốc và các quốc gia thuộc nhóm BRICS khác vẫn chưa đủ lực chen chân vào nhóm các trường đại học hàng đầu thế giới. Điều này sẽ giúp cho Hoa Kỳ và phương Tây tiếp tục giữ vững vị trí của mình trong cấu trúc quyền lực tri thức thế giới.

“Trung Quốc không phải là mô hình phù hợp”
Trao đổi về chiến lược “công xưởng thế giới” mà Trung Quốc đã tiến hành trong suốt thời gian qua, tiến sĩ Mayer không đánh giá cao tính hiệu quả của mô hình này. Tiến sĩ Mayer đánh giá mô hình “công xưởng” này không phải là “mô hình phù hợp” cho các nền kinh tế nhỏ học hỏi và áp dụng.
Cụ thể, ông Mayer đưa ra ví dụ về việc phân chia lợi nhuận thu được từ chiếc điện thoại iPhone. Theo đó, nếu một chiếc điện thoại trị giá 400USD thì hết gần 70% giá trị sẽ dịch chuyển về Mỹ, 20% cho Nhật Bản và 5-10% cho Đài Loan. Trong khi với Trung Quốc, nơi gần như làm mọi công việc sản xuất và lắp ráp chiếc điện thoại iPhone, chỉ nhận được một “mẩu bánh” vỏn vẹn có 2% tổng giá trị.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.