Trò nước đôi của Thổ Nhĩ Kỳ đã phản tác dụng

Đây là lần đầu tiên Nhà nước Hồi giáo tấn công ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đất nước Syria giáp Thổ Nhĩ Kỳ lâm vào cảnh nội chiến hơn bốn năm nay. Năm 2013, nội chiến càng thêm rối rắm khi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo xuất hiện.

Nói chung lâu nay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cố đứng ngoài cuộc. Thổ Nhĩ Kỳ tham gia liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo do Mỹ đứng đầu, thế nhưng các đồng minh chê trách Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia chiến dịch quân sự tấn công Nhà nước Hồi giáo. Chủ tịch đảng Dân chủ các dân tộc (đảng của người Kurd) ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tố cáo chính phủ có trách nhiệm trong vụ đánh bom này.

Lần này, khi máu của người dân vô tội đã chảy trên sân nhà thì Thổ Nhĩ Kỳ ắt hẳn sẽ phải thay đổi chiến lược. Chuyên gia Nihat Ali Ozcan ở trung tâm nghiên cứu Tepav tại Ankara nhận định vụ đánh bom ở Suruc cho thấy chiến tranh giữa người Kurd với quân Nhà nước Hồi giáo ở Syria đã chuyển dịch sang Thổ Nhĩ Kỳ và sắp tới có thể xảy ra xung đột ý thức hệ, sắc tộc và chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyên gia Henri Barkey tại Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson (Mỹ) ghi nhận Nhà nước Hồi giáo đánh bom ở Suruc nhằm hai mục đích: Trừng phạt người Kurd vì đã chống Nhà nước Hồi giáo ở Syria và trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì gần đây lần đầu tiên cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ truy quét các mạng lưới tuyển quân của Nhà nước Hồi giáo.

Vụ đánh bom ở Suruc cho thấy thái độ nước đôi của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Nhà nước Hồi giáo ở Syria đã phản tác dụng. Chuyên gia Henri Barkey phân tích lâu nay Thổ Nhĩ Kỳ e ngại người Kurd hơn Nhà nước Hồi giáo.

Ngày 17-7 vừa qua, hàng trăm người ủng hộ Nhà nước Hồi giáo thoải mái tập trung tại Istanbul để cầu nguyện và cảnh sát không đá động gì đến. Trong khi đó, khi người Kurd chiến đấu đẫm máu với Nhà nước Hồi giáo ở vùng biên giới Kobani (tháng 1-2015), Thổ Nhĩ Kỳ còn tố Mỹ đã không kích yểm trợ cho các tay súng người Kurd ở Kobani.

Đảng Lao động Kurdistan đã nổi dậy ở Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1984. Bởi thế Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại người Kurd bên Syria sẽ lập vùng tự trị giáp biên giới. Hiện nay, vụ đánh bom ở Suruc có thể trở thành cái cớ để Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi thái độ bởi Mỹ cũng đã hết kiên nhẫn đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

GS Max Abrahms tại ĐH Đông Bắc Mỹ nhận xét: “Điều này sẽ khuyến khích Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp nhiều hơn vào cuộc đấu tranh chống Nhà nước Hồi giáo với khả năng sẽ đưa quân tham chiến trên bộ”.

TNL

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.