Triều Tiên: Lãnh đạo mới, chính sách cũ

Triều Tiên: Lãnh đạo mới, chính sách cũ ảnh 1

Tân lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Corbis
Các sự kiện diễn ra quanh tang lễ của cố Chủ tịch Kim Jong-il đã cho thấy đất nước Triều Tiên trong quá trình chuyển giao quyền lực, và quá trình chuyển đổi lãnh đạo từ thế hệ này sang thế hệ lãnh đạo khác diễn ra khá suôn sẻ.

Tuy nhiên, trong danh sách ban lễ tang, người con trai út của Kim Jong-il là Kim Jong-un được phong là "Người kế tục Vĩ đại" và "Chỉ huy tối cao", và các cuộc vận động chính trị của em gái ông Kim Jong-il là Kim Kyung-hee và chồng là Chang Sung-taek đã nhấn mạnh vào sự thay đổi cán cân quyền lực giữa gia đình họ Kim và Quân ủy Trung ương, quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) và Đảng Lao động Triều Tiên.

Giờ đây, sau khi người dân Triều Tiên tập hợp nhau để biểu thị sự ủng hộ với Kim Jong-un, câu hỏi mà Seoul, Tokyo và Washingon quan tâm hơn cả là liệu trong năm 2012 này có thể có nhiều cuộc tập hợp như vậy nữa không, hoặc liệu có bất kỳ sự thay đổi nào được tiến hành không? Và nếu như Kim Jong-un định thay đổi chính sách đối nội và đối ngoại của Triều Tiên, điều đó liệu sẽ tốt hơn hay tệ hơn?

Trong khi nhiều người chỉ ra thực tế rằng Kim Jong-un từng sống ở nước ngoài và học tại một trường quốc tế ở Thụy Sĩ là một minh chứng cho khả năng có thể sẽ có một cách lãnh đạo có tư tưởng cởi mở hơn, thì cũng không có điều gì rõ ràng cho thấy Kim Jong-un có điều gì khác biệt hơn so với cha của anh ta. Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy vị lãnh đạo chưa tròn 30 tuổi này sẽ dẫn dắt đất nước theo hướng cải cách kinh tế hoặc một chính sách có sự liên hệ nhiều hơn với Mỹ và các đồng minh châu Á của Mỹ.

Ở đây, có hai lý do chính giải thích cho việc này. Thứ nhất, thực tế Kim Jong-un được cha chọn kế vị chứ không phải là hai người anh trai chỉ vì Jong-un có thứ gì đó mà hai người anh đó còn thiếu. Thứ hai, về mặt chính trị, Kim Jong-un vẫn là gương mặt quá trẻ và được cho là chưa có kinh nghiệm.

Về nguyên nhân đầu tiên, có người suy đoán rằng ông Kim jong-Il đã ủng hộ Jong-un vì một số cá tính tiêu biểu có thể cần thiết trong việc điều hành trong hệ thống của Triều Tiên. Những tính cách này có thể bao gồm cả việc sẵn sàng sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu, một lòng trung thành lý tưởng tuyệt đối với hệ thống.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đều đồng tình rằng Kim Jong-un sẽ khó có thể nắm quyền chắc chắn được như cha mình. Trong khi cố Chủ tịch Kim Jong-il đã chuẩn bị cho việc kế vị của Jong-un từ sau cơn đột quỵ hồi 2008, nhưng chỉ chừng đó thời gian thôi vẫn là chưa đủ để Jong-un nắm được hết mọi sự rắc rối của hệ thống chính trị trong một quốc gia phức tạp như CHDCND Triều Tiên.

Ông Kim Jong-il đã có gần 30 năm đảm nhận nhiều vị trí khác nhau trong đảng và các cơ quan trước khi lên nắm quyền. Thêm nữa, ông Kim Jong-il đã có thể tận dụng thời gian của mình trong cơ quan tuyên truyền và quần chúng trong những năm 1970 để truyền bá sự tôn kính đối với cha mình là lãnh đạo Kim Nhật Thành, đồng thời sau đó cũng xây dựng hình ảnh của bản thân.

Triều Tiên: Lãnh đạo mới, chính sách cũ ảnh 2

Ảnh: Corbis

Trái lại, Kim Jong-un lại không có những lợi thế này.

Khi lên nắm quyền, Kim Jong-il đã có cả một nhóm nòng cốt ngang hàng. Còn với Kim Jong-un, những người ngang tuổi với anh ta lại có vị trí quá xa về mặt tôn ti trong chính quyền và không thể đẩy lên ở cấp cao hơn vì làm vậy có thể sẽ gây ra điều tiếng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc anh ta sẽ thiếu đi những yếu tố cần thiết của một người đang ở vị trí cầm quyền như: một mạng lưới quen biết rộng rãi, các bạn bè và thân hữu, những người đóng cả vai trò cung cấp tin tức lẫn các nhân tố chính trị.

Tuổi trẻ của Kim Jong-un cũng không được tính là lợi thế cho năng lực điều hành của anh ta (dù cho trong lịch sử, việc này không nhất thiết phải dựa trên tuổi tác nếu xét đến trường hợp của Octavius hay Alexander Đại Đế).

Thực tế, kinh nghiệm thực sự rất hữu ích trong việc tránh các cạm bẫy trong quá trình lãnh đạo chính trị. Điều này hoàn toàn đúng tại các quốc gia phương Tây, nhưng với các hệ thống phương Đông thì điều này thậm chí còn quan trọng hơn thế, bởi lợi ích cũng như thua thiệt về mặt chính trị có tầm cỡ lớn hơn rất nhiều. Như vậy, thực tế đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ không có nhiều chỗ cho sai lầm xuất hiện.

Tuy nhiên, quyền lực về danh nghĩa, di sản của gia đình và chức quan nhiếp chính đều tập trung vào "Chú Jang" sẽ phần nào làm lu mờ bớt các điểm bất lợi trên của Kim Jong-un. Nhưng mặt khác, có quan điểm cho rằng điều này cũng có thể gây ra một mối đe dọa nguy hiểm khác là những điểm bất lợi của Kim Jong-un sẽ khiến cho cách điều hành của anh ta thiên về hướng các chính sách cứng rắn hơn về cả đối nội và đối ngoại. 

Và một khả năng khác nữa là, Kim Jong-un có thể sẽ có khuynh hướng khiêu khích hơn như những gì từng diễn ra hồi năm 2010. Sự kín đáo của nền chính trị đối nội đang trong quá trình chuyển giao của Triều Tiên và các yếu tố tạo nên chính sách đối ngoại luôn khó nắm bắt này đồng nghĩa với việc đây vẫn là thời gian để các bên nghe ngóng mọi động tĩnh. Nhưng dựa trên những điểm còn bất lợi đối với Kim Jong-un, nhiều người cho rằng vị lãnh đạo trẻ này có khả năng sẽ khẳng định bản thân mình bằng sức mạnh quân sự, chứ không mấy hình dung về khả năng cải cách hoặc đối thoại sớm.

Theo Lê Thu (VNN / The Diplomat)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm