Tra tấn tù nhân bằng âm nhạc ở Guantanamo: Sống cũng thành tật!

Lời kể của nhân chứng bị khủng bố bằng âm nhạc

Tháng 5-2003, một sĩ quan quân cảnh Anh có tên Ruhal Ahmed đã bị đưa tới trại giam quân sự tại Guantanamo, phòng giam của anh là phòng giam cho những đối tượng bị nghi là khủng bố. Ruhal Ahmed và 2 người bạn đều là những người Anh Hồi giáo gốc Bangladesh.

Năm 2001, cả 3 người đã du lịch tới Pakistan và dự định làm đám cưới ở đây. Sau đó cả 3 mạo hiểm tới Afghanistan, dù lúc đó Mỹ đang phát động cuộc chiến chống khủng bố. Khi họ quay trở lại Pakistan cùng với một số tàn quân Taliban thì bị bắt, họ bị đưa sang Mỹ và bị đưa tới nhà tù Guantanamo.

Phòng giam của cả 3 người có diện tích 8m2, những người thẩm vấn thường cho tù nhân nghe những âm thanh chát chúa của những ca sĩ nhạc rap nổi tiếng Eminem, họ liên tục điều chỉnh âm thanh to dần lên. Những bản nhạc rap chát chúa  đánh vào tai khiến tù nhân cảm thấy khó chịu "Các anh làm gì vậy? Tại sao anh lại chơi bản nhạc này?" - Ahmed đã hỏi các thẩm vấn của nhà tù, nhưng họ chỉ biết nhìn và không trả lời gì cả.

Tra tấn tù nhân bằng âm nhạc ở Guantanamo: Sống cũng thành tật! ảnh 1

Nhiều tù nhân đã bị bệnh về thần kinh sau khi bị tra tấn bằng âm nhạc

Giờ đây, Ahmed đã 28 tuổi và đã quay trở lại thành phố nhỏ Tipton gần thành phố Birmingham (Anh). Vợ anh ta giờ đang mang thai, chị làm công cho một người hàng xóm. Anh được trả tự do vào năm 2004, sau 2 năm bị giam tại nhà tù Guantanamo của Mỹ.

Ở Guantanamo, Afghanistan, Iraq và những nơi có tù nhân bí ẩn khác của Mỹ, các sĩ quan tình báo, quân đội thường mở đài to hết cỡ tra tấn những người họ nghi ngờ là khủng bố. Họ thường tra tấn tù nhân nhiều ngày bằng các loại nhạc của các nhạc sĩ  Dr. Dre, và các tay thẩm vấn cũng nhảy theo tiếng nhạc. Các tù nhân đôi khi bị nhốt trong các hộp gỗ và bị hành hạ bởi các bài hát có tên "Saturday Night Feve" của ban nhạc Bee Gees.

"Đánh đòn" bằng âm nhạc và hệ lụy của trò tra tấn

Thực tế, sử dụng nhạc như một thứ vũ khí là không có gì mới. Trong những năm qua, chính quyền tại các nhà ga xe lửa chính ở Đức tại Hamburg đã từng sử dụng các loại "nhạc cổ điển" để đuổi những người nghiện hay đeo bám vào các đường ray.

Năm 1993, khi FBI chuẩn bị càn quét qua một khu chăn nuôi gần Waco bang Texas, các thành viên của một giáo phái đã cố gắng phòng thủ trong ngôi nhà của họ, các nhân viên đã phải sử dụng tiếng kèn, trống la um lên bằng một bản “These Boots Were Made For Walking” của Nancy Sinatra, mục đích đơn giản là bao vây họ bằng tiếng nhạc chát chúa để họ phải chạy ra.

Trong cuộc Chiến tranh lạnh, phương pháp dùng nhạc làm vũ khí cũng đã được Chính phủ Mỹ - Canada sử dụng. Một tiết lộ trong cuốn "Khủng bố trong Liên minh nội bộ KUBARK" của CIA năm 1963 cũng đã miêu tả phương thức mở nhạc to để lấy đi hoặc làm hưng phấn các giác quan bên trong tù nhân.

Từ năm 2002, âm nhạc được sử dụng để tra tấn các tù nhân trong trường hợp họ bị đưa vào tư thế không thoải mái với nhiệt độ cao, ánh sáng quá lấp lánh. Đây được xem là phương pháp vô hình không thể tiếp xúc được. Văn bản của CIA còn tiết lộ, sử dụng âm lượng ở mức độ chuyên biệt hóa khiến cho tù nhân không chịu được phải thốt ra những thông tin. Ngoài ra, trong văn bản cũng nói rõ việc tra tấn bằng âm thanh diễn ra trong bao lâu.

Tony Lagouranis, cựu chuyên gia chống khủng bố cũng cho hay: phòng "disco" cho các nhà tù đã được xây dựng ở Iraq, Afghanistan vào mùa xuân 2004. Những âm thanh, ánh sáng lấp lóa tần suất cao của ngành hàng không cũng đã được ứng dụng vào đây. Nhiều sĩ quan quân đội cũng đã thu được những chiếc đĩa CD có âm thanh khủng khiếp. Ngoài ra, các sĩ quan còn sử dụng các vật dụng tạo âm nhạc rất quái đản.

Cựu tù nhân Anh Ruhal Ahmed cho rằng, không ai muốn tới gần các “phòng âm nhạc” trong nhà tù. "Vào đây bạn bị đau nửa đầu, dường như có người chiếu vào bạn những thứ ánh sáng khó chịu và la hét vào bạn. Âm nhạc to khiến bạn không thể tập trung vào bất cứ điều gì, bạn như bị đánh, hình ảnh này làm khơi gợi nỗi đau của tôi". Tiếng nhạc to cũng làm tù nhân mất định hướng, quá sức chịu đựng của não bộ. Tù nhân cũng bị mất tự chủ, sống trong ảo giác khó chịu,  đi vào ngưỡng cửa của bệnh điên loạn, đi quá giới hạn phấn khích nhiều lần.

Suzanne Cusick, Giáo sư Trường đại học New York, người đã nghiên cứu các loại nhạc từ thế kỷ XVII tới nay đã cho rằng, nghe các loại nhạc trên chính là sự lăng mạ, sỉ nhục, vì những người Hồi giáo thường nghe nhạc chỉ có âm thanh không tiếng ồn, nhẹ nhàng du dương và thiêng liêng. Những bài hát chát chúa mang tính "công nghiệp" và "kim loại nặng" như “Metallica's Enter Sandman", “March of the Pigs”, của Nine Inch Nails được chọn để làm đau đầu tù nhân.

"Thực trạng trên cho thấy, âm nhạc của chúng ta là những cách làm man rợ" - Tom Morello, tay guitar của ban nhạc Rage Against the Machine đã nói với tạp chí âm nhạc Mỹ Spin như vậy. Ông ta còn cho rằng, nếu bạn là người có ý thức hệ thì thật không chịu nổi.

Sau khi ra tù, Ruhal Ahmed đã gặp nhiều người bạn tù trước đây, họ dường như điên cuồng, mất trí, những người trong trại vốn bị tra tấn dã man. Ở Anh, các bác sĩ tâm lý trị liệu đã cho rằng, anh quá may mắn là không ảnh hưởng về thần kinh do anh vẫn còn trẻ. Tuy nhiên, âm nhạc lệch lạc cũng đã làm anh có cuộc sống lập dị, Ahmed cũng thường lên Facebook để tìm kiếm những cựu tù binh khác. Trên giá sách của anh vẫn có kinh Coran, anh thường mở cátxét để nghe, giọng thánh thót và linh thiêng trong kinh thánh đã xoa dịu nỗi đau tinh thần mà anh từng gánh chịu.

Theo Văn Nguyễn (ANTG/Spigel)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm