Thổ Nhĩ Kỳ: Nội chiến thể chế

Những vấn đề trên tái diễn liên miên tại Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt thời gian qua đang đẩy quốc gia Hồi giáo này vào cuộc nội chiến thể chế.

Sự kiện gần đây nhất là vào hôm 22-2, hơn 40 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có nhiều cựu chỉ huy quân đội, đã bị bắt giữ để thẩm vấn vì bị tình nghi can dự vào một âm mưu lật đổ chính phủ. Đây là một chiến dịch bắt giữ lớn chưa từng có ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, trong số những người đang bị ngành tư pháp thẩm vấn có không dưới 17 tướng về hưu, kể cả cựu Tư lệnh Không quân và Hải quân, 4 đô đốc đang đương chức.

Tất cả những người bị thẩm vấn đều bị cáo buộc là đang chuẩn bị đảo chính với kế hoạch mang tên "Búa tạ". Những vụ bắt giữ hàng loạt đầy ấn tượng này, đối với vị Tổng tham mưu, tướng Ilker Basbug, đã đủ nghiêm trọng để ông hủy bỏ chuyến viếng thăm Ai Cập, nhưng lần này thì ông không có lời bình luận nào.

Thổ Nhĩ Kỳ: Nội chiến thể chế ảnh 1

Đại tá về hưu Ahmet Metin Dikici (trái) bị Cảnh sát bắt hôm 22-2

Cách đây một tháng, khi báo chí đưa tin về vụ nổi dậy, tướng Ilker Basbug đã mất bình tĩnh, đấm mạnh vào mặt bàn mà nói: "Làm thế nào tin được rằng một quân đội nhân danh Thượng đế, đấu tranh cho niềm tin, lại điều những chiến binh của mình đến đặt bom trong ngôi nhà của Thượng đế, trong các đền thờ Hồi giáo? Thật là vô ý thức, tôi nguyền rủa những kẻ nghĩ đến điều đó! Cũng giống như quân đội đi đặt chất nổ ngay tại ngôi đền của Thượng đế, các đền thờ Hồi giáo, làm cho các tín đồ đang cầu nguyện bên trong không biết sẽ ra sao...".

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho hay âm mưu "Búa tạ" hoạch định năm 2003 bao gồm kế hoạch gây bất ổn cho chính phủ bằng cách gài bom ở các đền thờ và khiêu khích để Hy Lạp bắn rơi một máy bay Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngành tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, cuộc điều tra sơ khởi đã mang lại đủ chứng cứ để khám xét nhà các nghi phạm chủ chốt - các tướng lĩnh cao cấp trong Bộ Tổng tham mưu nay đã về hưu - và câu lưu họ trước khi phiên tòa được tiến hành. Đây lại là một vụ tai tiếng nữa cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, đang bị đẩy vào ngõ cụt, với uy tín đang bị sụt giảm nghiêm trọng.

Cơ chế độc lập của quân đội với các đảng phái chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ luôn được coi là mối đe dọa lớn cho chính thể tại quốc gia Hồi giáo này. Theo truyền thống, các lực lượng vũ trang trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có vị thế quyền lực chính trị quan trọng, tự coi mình là người bảo vệ di sản của Ataturk (người sáng lập đảng phái Kémalisme, hiện đang đứng vào thế đối lập và là Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ).

Thông qua Hội đồng An ninh quốc gia, quân đội gây ảnh hưởng tới chính sách về các vấn đề mà họ coi là mối đe dọa tới đất nước, gồm cả vấn đề liên quan tới cuộc nổi dậy của người Kurd, và chủ nghĩa Hồi giáo. Trong những năm gần đây, các cuộc cải cách đã được tiến hành để tăng cường sự hiện diện dân sự trong Hội đồng An ninh quốc gia.

Dù ảnh hưởng trong lĩnh vực dân sự đã giảm bớt, quân đội tiếp tục được quốc gia ủng hộ vai trò quan trọng của họ, thường xuyên được người dân coi là thể chế đáng tin cậy nhất.

Vụ bắt giữ hàng loạt này làm gia tăng sự căng thẳng giữa đảng đương quyền có nguồn gốc Hồi giáo và quân đội, được xem là người bảo vệ cho truyền thống thế tục của Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã lật đổ 4 chính phủ trong 50 năm qua. Tất cả những âm mưu đảo chính gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ đều liên quan tới một cái tên Ergenekon.

Sau hai năm rưỡi điều tra trong khuôn khổ vụ Ergenekon, một mạng lưới cực đoan theo đường lối quốc gia chủ nghĩa bị cáo buộc lên kế hoạch cho những vụ bạo động nhằm gây bất ổn cho đảng AKP, đến nay đã có gần 300 nghi can bị bắt giữ và buộc tội, trong đó có rất nhiều sĩ quan quân đội.

Mới đây, Hội đồng thẩm phán và biện lý tối cao Thổ Nhĩ Kỳ (HSYK), đã cách chức một nhóm biện lý ở Erzurum vì cố tình triệu tập Chỉ huy trưởng lực lượng quân đội thứ 3, tướng Saldiray Berk, trong khuôn khổ vụ điều tra Ergenekon.

Cũng chính nhóm biện lý này ra trát bắt thẩm phán Ilhan Cihaner, vì cáo buộc tham gia vào một vụ đảo chính do nhật báo Taraf tiết lộ hồi tháng 6-2009, và có thể còn dính líu tới việc sử dụng mạng lưới Hồi giáo cực đoan ở Fethullah Gulen, thân đảng AKP cầm quyền, để tạo ra các hoạt động khủng bố nhằm lật đổ chính phủ.

Trong khi một số thẩm phán cáo buộc ông Ilhan Cihaner tham gia đảo chính trong mạng lưới Ergenekon, thì những thẩm phán khác lại cho rằng ông Ilhan Cihaner bị bắt vì đã xúc phạm tới các đồng minh của AKP.

Theo Ahmet Altan, chủ biên tờ Taraf, thì xét cho cùng những hành động như trên nhằm một mục đích duy nhất là trì hoãn cuộc điều tra về Ergenekon, vì Ergenekon là biểu tượng của một mô hình cộng hòa trong đó nhà nước có quyền phạm phải tội ác. Những người ủng hộ mô hình này muốn chặn đứng cuộc điều tra tại Erzurum về mạng lưới Ergenekon và ngăn chặn việc để tướng Saldiray Berk bị thẩm vấn.

Ahmet Altan cho rằng khi cách chức các biện lý tại Erzurum, HSYK đã cho thấy bộ mặt thật của mình. Hội đồng này không còn đại diện cho một nền tư pháp độc lập. Trước những lời cáo buộc về tình trạng xâm phạm tính độc lập của ngành tư pháp, chính phủ AKP chưa bao giờ đưa ra được câu trả lời thỏa đáng. Theo nhật báo Milliyet, hệ thống tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ là hoàn toàn phản dân chủ.

Hiến pháp nước này được lập sau cuộc đảo Chính quân sự năm 1980, và hiện vẫn còn hiệu lực. Hiến pháp này thiết lập một hệ thống theo đó các bộ máy được dân bầu lên lại bị kiểm soát chặt chẽ.  Hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ, các thành viên của Tòa phá án và Hội đồng quốc gia bầu những thành viên cho HSYK và ngược lại. Một hệ thống hoàn toàn khép kín trong khuôn khổ của nó.

Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan hiện từ chối đưa ra bất cứ bình luận nào về vụ bắt bớ quy mô trên, nhưng ông cũng cho biết chính phủ đang chuẩn bị xem xét lại hệ thống tư pháp và Hiến pháp nước này.

Nguyễn Lê Bảo Phương tổng hợp (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm